Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu, Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, đau đầu là chứng bệnh rất thường gặp. Hầu hết ai cũng có thể trải qua ít nhất một lần trong đời. Chính vì vậy, số lượng bệnh nhân đau đầu rất lớn.
Dấu hiệu cảnh báo đau đầu nguy hiểm
PGS Liệu cho biết thêm, đau đầu do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó phần lớn là lành tính, tuy nhiên cũng có rất nhiều những căn nguyên gây đau đầu nguy hiểm, đòi hỏi cần được chẩn đoán và xử trí kịp thời để tránh những biến chứng đáng tiếc.
Đau đầu được chia thành hai nhóm gồm:
- Đau đầu nguyên phát: là những loại đau đầu không tìm thấy bất thường về cấu trúc.
- Đau đầu thứ phát: là đau đầu do những tổn thương trong sọ não như u não, viêm màng não, áp xe não, chảy máu trong sọ, tụ máu sau chấn thương... và nhiều nguyên nhân khác.
Phần lớn các trường hợp đau đầu nguyên phát có diễn biến từ từ kéo dài mạn tính nhiều năm, nhưng thường là ít nguy hiểm. Ngược lại, đau đau đầu thứ phát thường mới xuất hiện trong thời gian ngắn, nhưng lại tiềm ẩn nhiều căn nguyên nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm.
Nếu cơn đau đầu xuất hiện thường xuyên, kéo dài hoặc tính chất đau đầu đột ngột dữ dội, kèm các triệu chứng khác như sốt, buồn nôn, nôn, yếu liệt tay chân, thay đổi ý thức, rối loạn tâm thần hành vi... thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm.
Những bệnh lý nguy hiểm này có thể là bệnh mạch máu não (tai biến mạch máu não, xuất huyết não, xuất huyết màng não, dị dạng mạch não); bệnh lý nhiễm trùng thần kinh (viêm màng não, viêm não, áp xe não); u não); bệnh lý nhiễm độc, rối loạn chuyển hóa hay các bệnh lý liên quan rối loạn toàn thân khác. Nếu tình trạng đau đầu ngày càng nặng cần đi khám ngay, nhất là đối với những người bệnh trên 50 tuổi. Ở nhóm tuổi này có thể gặp đau đầu do bệnh lý viêm động mạch thái dương (hay bệnh Horton). Đây là bệnh lý cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh biến chứng mất thị lực vĩnh viễn.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu chia sẻ thêm, đau đầu cũng có thể được chia ra làm đau đầu cấp tính (tiến triển trong vài ngày đến vài tuần) và đau đầu mạn tính (kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng). Đau đầu mạn tính chiếm phần lớn các trường hợp, tiến triển kéo dài và điều trị không dễ. Có rất nhiều loại đau đầu trong nhóm này, mỗi loại sẽ có cách xử trí khác nhau. Theo Hiệp hội Đau đầu Quốc tế, có ít nhất có 14 nhóm đau đầu lớn. Trong mỗi nhóm có nhiều loại đau đầu và tổng cộng có hơn 250 loại đau đầu khác nhau.
Những đối tượng dễ bị đau đầu
Đau đầu có thể gặp ở trẻ em, thanh niên, trung niên đến người cao tuổi và mỗi lứa tuổi thường gắn liền với một nhóm bệnh.
Những người lớn tuổi có đau đầu do căn nguyên mạch máu, ví dụ như mạch máu xơ vữa có thể gây ảnh hưởng đến tuần hoàn não. Đau đầu kèm theo mờ mắt, động mạch vùng thái dương hiện rõ lên... có thể là viêm động mạch thái dương.
Đau đầu, đau dai dẳng, ngày càng phát triển nặng hơn, chậm chạp... thường là đau đầu do u não ở trẻ em. Những trường hợp thường có sốt kèm theo nôn, đau đầu dữ dội, bệnh nhân cảm nhận được gáy cổ cứng là dấu hiệu của viêm màng não.
Những trường hợp trẻ, người lớn tuổi có thể gặp như đột ngột đau đầu dữ dội kèm theo các dấu hiệu thần kinh, ví dụ như có liệt, lác mắt hay sụp mí mắt mặc dù vẫn tỉnh táo. Đây là dấu hiệu của chảy máu trong não do vỡ những phì mạch.
Người làm việc văn phòng cũng như những giới khác rất hay gặp tình trạng đau đầu mãn tính (đau đầu migraine), đau nửa đầu, đau bên nọ chuyển bên kia kèm theo nôn, chóng mặt... rất khó chịu.
"Để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc, người bệnh nên đi khám ngay nếu có triệu chứng đau đầu mới xuất hiện, không thuyên giảm, thường xuyên tăng dần, khi có những dấu hiệu cảnh báo nguyên nhân nguy hiểm (đau đầu kèm theo các dấu hiệu thần kinh khác), đặc biệt đối với những người có tiền sử các bệnh lý nội, ngoại khoa khác", PGS Liệu nói thêm.
Thư Kỳ