Bác sĩ bảo tôi bị xơ nang tuyến vú, cần theo dõi mới xem xét có điều trị hay không. Những trường hợp nào cần điều trị xơ nang tuyến vú thưa bác sĩ? (Thảo Như, 35 tuổi, Đồng Nai)
Trả lời:
Xơ nang tuyến vú (thay đổi sợi bọc tuyến vú) là tổn thương thường gặp nhất ở vú phụ nữ, bao gồm các mô có cấu trúc dạng khối đặc hoặc dạng sợi, thường gặp ở tuổi từ 30-50 tuổi. Thay đổi sợi bọc tuyến vú gây ra các triệu chứng đau chung chung không rõ điểm đau hoặc căng tức, khó chịu ở vú. Các nốt hoặc khối u ở vú thay đổi kích thước theo chu kỳ kinh nguyệt. Núm vú tiết dịch màu nâu hoặc xám không chứa máu, dịch tiết có xu hướng rỉ ra mà không cần ấn hoặc bóp.
Hầu hết thay đổi sợi bọc tuyến vú là bình thường, tuy nhiên, người có một khối u lâu ngày hoặc phát hiện thấy một khối u mới, xuất hiện vùng mô vú cứng hoặc dày lên nên đi khám. Các tình trạng khác cũng cần thăm khám như đau vú liên tục hoặc ngày càng nặng hơn ở những vùng nhất định; thay đổi ở vú vẫn tiếp diễn sau chu kỳ kinh nguyệt; một khối u ở vú từng được bác sĩ khám nhưng có vẻ to hơn hoặc thay đổi khác trước đây.
Ban đầu, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử của người bệnh, xem xét các triệu chứng, mối liên hệ của chúng với chu kỳ kinh nguyệt và các thông tin liên quan. Nếu bạn không có triệu chứng hoặc các triệu chứng nhẹ thì không cần điều trị. U nang gây đau nhiều, kích thước quá lớn hoặc đau có liên quan đến thay đổi sợi bọc tuyến vú có thể cân nhắc điều trị.
Các lựa chọn điều trị cho nang vú bao gồm chọc hút bằng kim nhỏ và phẫu thuật. Bác sĩ dùng một kim nhỏ như sợi tóc để rút dịch ra khỏi nang, rút chất dịch vừa có tác dụng chẩn đoán vừa có tác dụng điều trị, làm xẹp nang, giảm bớt sự khó chịu. Phẫu thuật cắt bỏ ít được chỉ định. Một số chỉ định có thể gồm khối u tái phát dai dẳng mặc dù được chọc hút nhiều lần, theo dõi cẩn thận hoặc u có các đặc điểm nghi ngờ.
Người bệnh có thể được dùng các thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như: acetaminophen (tylenol, panadol..) hoặc các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen (advil, motrin...) hoặc thuốc cần được kê đơn. Bác sĩ có thể kê thuốc tránh thai đường uống, làm giảm nồng độ các hormone liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt dẫn đến thay đổi sợi bọc tuyến vú.
Người bệnh có thể giảm bớt các triệu chứng của thay đổi sợi bọc tuyến vú tại nhà như mặc áo ngực phù hợp; mặc áo ngực thể thao khi tập thể dục và khi ngủ, nhất khi tuyến vú quá nhạy cảm. Người bệnh có thể thảo luận với bác sĩ về việc giảm hoặc ngưng liệu pháp nội tiết nếu đã mãn kinh. Dùng một miếng đệm sưởi hoặc chai nước ấm chườm vào chỗ đau tạo cảm giác dễ chịu.
Chế độ ăn uống nên hạn chế hoặc tránh sử dụng các chất kích thích như caffeine, ăn ít chất béo. Người bị thay đổi sợi bọc tuyến vú bổ sung các loại vitamin, thực phẩm chức năng dinh dưỡng có thể làm giảm các triệu chứng đau vú, khó chịu. Tuy nhiên, người bệnh nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng để chọn sản phẩm phù hợp như tinh dầu hoa anh thảo, vitamin E nhằm mang lại hiệu quả.
Uống 200 đơn vị (IU) vitamin E hai lần mỗi ngày trong hai tháng giúp cải thiện các triệu chứng. Phụ nữ trên 18 tuổi, đang mang thai và cho con bú, liều vitamin E tối đa là 1.000 mg mỗi ngày (hoặc 1.500 IU). Người bệnh nên ngừng uống nếu thấy tình trạng đau vú không được cải thiện sau vài tháng. Mỗi lần chỉ thử dùng một loại thực phẩm chức năng để xác định rõ ràng loại nào giúp giảm đau.
BS.CKI Phạm Cao Thành
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM