Kết quả xét nghiệm cho thấy chị Lan nhiễm virus HPV 18. Kết quả chụp MRI vùng chậu tiêm thuốc cản quang nghi ngờ ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 (phân loại IB1).
Còn chị Thúy, 36 tuổi, đã sinh ba con, tháng 6 xét nghiệm Pap sàng lọc ung thư cổ tử cung phát hiện bất thường. Các xét nghiệm xác định chẩn đoán là ung thư cổ tử cung giai đoạn IB2.
Ngày 17/6, ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết cả hai bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn IB, vẫn còn là giai đoạn sớm. Giai đoạn IB chia làm ba nhóm gồm IB1, IB2, IB3. Trường hợp IB1 như chị Lan khối ung thư sâu hơn 5 mm và kích thước không quá 2 cm; IB2 như chị Thúy kích thước u 2-4 cm. U IB3 kích thước trên 4 cm nhưng vẫn ở cổ tử cung.
Hai bệnh nhân đã sinh đủ con, bác sĩ tư vấn phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung nhằm điều trị triệt để. Ê kíp mổ mở cắt tử cung toàn phần, nạo hạch chậu. Sau mổ, sức khỏe hai bệnh nhân ổn định sớm. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy ung thư chưa xâm lấn, không cần xạ trị, hiện tại chỉ cần tái khám định kỳ đúng hẹn.
Bác sĩ Khoa cho biết nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung chủ yếu do HPV, khoảng 80% phụ nữ bị nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời nhưng chủ yếu là nhiễm thoáng qua. Trong đó, khoảng 20% trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao dai dẳng, dễ gây biến đổi làm tổn thương các tế bào ở cổ tử cung. Quá trình một phụ nữ nhiễm HPV nguy cơ cao tiến triển thành ung thư xâm lấn mất khoảng 10-15 năm. Trong một số rất ít trường hợp, khoảng thời gian này có thể rút ngắn còn 1-2 năm, theo bác sĩ Khoa.
Ung thư cổ tử cung nguy hiểm vì diễn tiến âm thầm. Ở giai đoạn đầu khó phát hiện do tế bào ung thư chưa nhân lên nhiều, khối ung thư có kích nhỏ trên bề mặt niêm mạc cổ tử cung, chưa ra gây triệu chứng cảnh báo. Một số phụ nữ có thể có dấu hiệu nhưng dễ bỏ qua do nhầm lẫn với triệu chứng bệnh phụ khoa khác như chảy máu âm đạo bất thường, dịch vùng kín bất thường, rối loạn kinh nguyệt.
Theo bác sĩ Khoa, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu là 95%. Khi ung thư cổ tử cung đã lan đến các mô khác, cơ quan hoặc hạch bạch huyết lân cận, tỷ lệ này giảm còn 60%. Tầm soát phát hiện sớm bệnh khi chưa có biểu hiện rất quan trọng. Phụ nữ được điều trị kịp thời, khả năng khỏi bệnh cao, giảm tử vong do bệnh ác tính.
Bệnh ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa bằng cách tiêm phòng vaccine HPV và chủ động khám phụ khoa định kỳ. Phụ nữ nên sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng các xét nghiệm thường quy để có thể phát hiện tế bào bất thường hoặc tế bào tiền ung thư trong cổ tử cung.
Hiện các xét nghiệm thường quy tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 21 tuổi đã quan hệ tình dục gồm phết tế bào cổ tử cung (cổ điển hoặc nhúng dịch), xét nghiệm HPV, quan sát cổ tử cung bằng dung dịch axit acetic (áp dụng tại cơ sở y tế không có sẵn Pap's và HPV). Quá trình tầm soát thực hiện nhanh, đơn giản, không gây đau.
Tuệ Diễm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |