Ông Nguyễn Văn Trọng (65 tuổi, quận Tân Phú, TP HCM) thỉnh thoảng bị đau ngực trái, gần đây ho nhiều hơn nên đi khám sức khỏe tổng quát. Ông được chụp X-quang tại một phòng khám tư nhân, bác sĩ phát hiện khối u bất thường trong lồng ngực.
Vào đầu tháng ba, ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM để điều trị. Kết quả chụp CT cho thấy, bên cạnh khối u nằm trong lồng ngực (khối u trung thất) kích thước 3,5x4x4,5 cm, ông còn có một nhân giáp 12 mm ở cổ. Ông được chẩn đoán tế bào học chọc hút nhân giáp bằng kim nhỏ (FNA) xác định ung thư tuyến giáp ở thùy phải, chưa thấy hạch di căn. Trước đó, ông không có triệu chứng ung thư tuyến giáp như nuốt nghẹn, khàn giọng, đau họng hay các dấu hiệu của cường giáp, suy giáp...
Ông Trọng được mổ sửa van tim gần 10 năm trước, đang điều trị rung nhĩ, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thoái hóa khớp. BS.CKI Trần Quốc Hoài (khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực) cho biết, bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, rủi ro trong lúc gây mê, phẫu thuật và hồi sức sau mổ cao. Do đó, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật "hai trong một" vừa nội soi lấy khối u lồng ngực vừa mổ hở để loại bỏ u tuyến giáp.
"Phương pháp này chỉ cần gây mê một lần, giảm được nguy cơ biến chứng như rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, hô hấp, nhiễm trùng, suy thận... ở người lớn tuổi. Kỹ thuật gây mê hồi sức với liều thuốc tối thiểu giúp giảm đau hiệu quả, rút ngắn quá trình hồi phục sau mổ", bác sĩ Hoài nói thêm.
Ca mổ diễn ra trong hai giờ. Bệnh nhân có thể rời phòng hồi sức sau ba giờ và ăn uống, tập đi lại sau 8 giờ. Theo các bác sĩ, toàn bộ khối u lành tính trong lồng ngực, tuyến giáp và hạch cổ trung tâm được loại bỏ. Nhờ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, phẫu thuật triệt để, bệnh nhân chưa cần dùng liệu pháp iốt phóng xạ, hóa trị bổ trợ sau mổ. Bệnh nhân được hướng dẫn chế độ tập luyện, theo dõi và tái khám mỗi tháng, sau đó là 3 tháng và 6 tháng trong năm đầu sau mổ.
Ung thư tuyến giáp thường không có dấu hiệu ở giai đoạn sớm. Theo ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng (khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực), đa số bệnh nhân đến khám khi sờ thấy khối to và chắc ở cổ hoặc khàn giọng, khó nuốt, nổi hạch cổ, đau cổ, đau họng... Thường lúc này, bệnh đã tiến triển. Một số ít trường hợp như ông Trọng, nhờ tầm soát sức khỏe định kỳ đã phát hiện bệnh sớm và điều trị triệt để bằng phẫu thuật. 90-95% bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu được điều trị đúng cách sẽ khỏi bệnh, nguy cơ tái phát rất thấp.
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp như phẫu thuật, liệu pháp iốt phóng xạ, liệu pháp trúng đích, xạ trị, hóa trị. Tùy theo loại tế bào, giai đoạn ung thư tuyến giáp, độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp. Trong đó, phẫu thuật cắt một thùy tuyến giáp hoặc cắt toàn bộ tuyến giáp là phương pháp phổ biến nhất và khá an toàn khi có các kỹ thuật gây mê hồi sức hiện đại.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.