Nguyễn Thị Nga (30 tuổi, TP Thủ Đức) bị đau nhiều vùng hạ vị vào ngày đầu chu kỳ kinh, ra máu nhiều, trong suốt một năm nay mỗi kỳ đều có số ngày kinh kéo dài. Vì triệu chứng tiến triển nặng nên chị khám, nhập viện BVĐK Tâm Anh TP HCM điều trị vào giữa tháng 11.
BS.CKII Thi Văn Gừng, Trưởng đơn vị Hình ảnh học can thiệp - Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết sau khi siêu âm, chụp cộng hưởng từ vùng chậu, chẩn đoán cho thấy chị Nga có 2 tổn thương. Một là khối u buồng trứng phải kích thước khoảng 3,5 cm, nghi ngờ u quái buồng trứng. Hai là khối tổn thương lớn mặt sau dưới thanh mạc cơ tử cung, kích thước khoảng 6 cm, có nhiều mạch máu bên trong, nghi ngờ thông nối động tĩnh mạch (arteriovenous malformation-AVM) trong cơ tử cung.

Hình cộng hưởng từ ghi nhận khối dị dạng mạch máu lớn xuất phát từ thành sau phải của tử cung. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, AVM gây ra bởi sự tăng sinh động mạch, tĩnh mạch với sự hình thành của thông nối trực tiếp giữa động mạch, tĩnh mạch, không qua mao mạch. Đa số thông nối động tĩnh mạch ở tử cung thường mắc phải sau sảy thai, thủ thuật như nạo phá thai, mổ lấy thai... Một số trường hợp hiếm gặp là bẩm sinh như bệnh nhân Nga, do bất thường phát triển phôi thai.
Thông nối động tĩnh mạch tử cung là một bất thường hiếm gặp, y văn thế giới chỉ mới ghi nhận 150 trường hợp. Đây là nguyên nhân có thể gây xuất huyết âm đạo, đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
Nếu thông nối động tĩnh mạch nhỏ, chưa gây ra biến chứng như xuất huyết âm đạo ồ ạt thì có thể điều trị bằng thuốc. Trường hợp lớn hoặc chảy máu nhiều thì cần điều trị tích cực bằng can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật cắt tử cung. Chị Nga độc thân, do đó bác sĩ điều trị, kết hợp bảo tồn tử cung và 2 buồng trứng.
Êkip tiến hành phẫu thuật nội soi cắt u buồng trứng phải và lấy mẫu bệnh phẩm. Kết quả giải phẫu bệnh người bệnh mắc u quái trưởng thành lành tính (Mature teratoma).
Hai ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân được tiến hành can thiệp nội mạch tắc bán phần dị dạng mạch máu của tử cung. Sau can thiệp, chị khỏe mạnh, không đau bụng, xuất viện một ngày sau đó. Chị Nga tái khám sau một tháng để can thiệp tắc phần còn lại của dị dạng mạch máu tử cung.

Ekip can thiệp nội mạch khắc phục dị dạng mạch máu tử cung cho bệnh nhân Nga. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Gừng cho biết thêm, dị dạng mạch máu tử cung bẩm sinh của bệnh nhân lớn, được xếp nguy cơ cao có thể gây chảy máu ồ ạt nếu bị vỡ vào trong ổ bụng hoặc xuất huyết tử cung nặng. Khối này được cấp máu từ rất nhiều nhánh có nguồn gốc động mạch chậu trong hai bên. Vì vậy, bác sĩ phải chọn lọc sâu vào nhánh động mạch cấp máu cho dị dạng, bơm tắc cẩn thận để tránh dội vào nhánh động mạch lành nuôi tử cung, nhánh mạch máu nuôi buồng trứng.
"Trước đây các dị dạng mạch máu phức tạp như chị Nga bắt buộc phải cắt bỏ tử cung để điều trị. Hiện, phương pháp can thiệp nội mạch kết hợp chụp hình mạch máu xóa nền, sau đó nút mạch giúp điều trị, bảo tồn tử cung và giảm thiểu nguy cơ suy buồng trứng cho người bệnh", bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết.
BS.CKI Dương Đình Hoàn
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh