Bác sĩ địa phương khuyên ông Tấn đến bệnh viện lớn để điều trị kén khí ở phổi phải. Kén khí phổi là những bong bóng khí hình thành bất thường trong phổi, không có chức năng thông khí.
Ngày 10/12, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kén khí khổng lồ có thể chèn ép làm xẹp phổi của bệnh nhân, vỡ gây tràn khí màng phổi, nhiễm trùng. Bên cạnh nguyên nhân bệnh lý như phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm trùng hô hấp dưới, hen phế quản..., hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ phổ biến gây kén khí phổi. Ông Tấn hút thuốc lâu và nhiều (hơn 30 năm, hai gói một ngày) là nguyên nhân thúc đẩy hình thành kén khí.
"Các chất độc hại trong khói thuốc lá là tác nhân làm tổn thương những phế nang nhỏ trong phổi, khiến chúng giãn ra và dần hình thành kén khí", bác sĩ Dũng giải thích.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, hầu hết bệnh nhân mắc kén khí phổi kích thước nhỏ đến trung bình (dưới 10 cm). Ông Tấn là trường hợp đầu tiên bệnh viện tiếp nhận có kén khí kích thước khổng lồ, 16x11cm, tương đương quả dưa lê.
BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đánh giá kén khí ở phổi ông Tấn rất lớn, chiếm hơn một nửa thể tích ngực phải, gây chèn ép nhiều nhu phần phổi khác. Vì vậy, êkíp phẫu thuật nội soi sớm để loại bỏ kén khí phổi, hạn chế biến chứng hô hấp.
Trong vòng gần hai giờ, êkíp cắt bỏ kén khí phổi, nhu mô phổi được khâu lại bằng hệ thống cắt khâu tự động. Bệnh nhân xuất viện sau ba ngày, không ghi nhận biến chứng.
Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy ngoài kén khí phổi lành tính, nhu mô phổi có tế bào ung thư biểu mô tuyến, chẩn đoán bệnh lý ác tính nguyên phát từ phổi. Ông Tấn được điều trị theo phác đồ ung thư phổi. "Kén khí phổi khổng lồ kết hợp ung thư phổi rất ít gặp", bác sĩ Dũng nói.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần theo dõi chức năng phổi định kỳ để phát hiện sớm biến chứng, tuân thủ chỉ định dùng thuốc giảm đau, kháng sinh, hạn chế vận động mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ. Chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng quan trọng, tránh món ăn gây kích ứng đường hô hấp.
Để phòng ngừa bệnh lý phổi, bác sĩ Dũng khuyến cáo tránh khói thuốc lá, tầm soát ung thư phổi định kỳ, tập thể dục đều đặn và hạn chế tiếp xúc với các yếu tố ô nhiễm không khí. Người mắc bệnh hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn cần tuân thủ điều trị, ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi