Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm lượng mỡ trong cơ thể, hạ huyết áp, ngăn ngừa đường huyết cao và giảm kháng insulin. Đồng thời, thường xuyên hoạt động thể chất làm giảm đáng kể các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Phân bổ thời gian trước và sau giờ làm việc hoặc vào cuối tuần giúp duy trì thói quen nhất quán và thường xuyên. Tính nhất quán và thường xuyên sẽ quyết định hiệu quả của tập thể dục với người bệnh. Bệnh nhân tiểu đường type 2 nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, từ 3-7 ngày mỗi tuần.
Theo Học viện Giáo dục đại học Manipal (Ấn Độ), kết hợp giữa tập thể dục nhịp điệu và rèn luyện sức mạnh rất hiệu quả trong kiểm soát bệnh tiểu đường type 2. Tập thể dục nhịp điệu giúp cơ thể hấp thụ insulin, còn rèn luyện sức mạnh có thể cải thiện tốc độ hấp thụ đường trong máu. Các bài tập được khuyến nghị gồm: đi bộ (leo cầu thang), chạy bộ, nhảy dây, khiêu vũ, đi xe đạp, nhảy theo nhạc... Tập luyện để tăng sức mạnh cơ bắp với các dạng như nâng đẩy tạ, kéo dây kháng lực, bơi lội, chơi một môn thể thao...
Người bệnh nên tập thể dục nhịp điệu ít nhất 150 phút mỗi tuần và không quá 2 ngày nghỉ liên tiếp; tập luyện sức mạnh từ 2-3 ngày mỗi tuần, có ít nhất một ngày nghỉ giữa các buổi tập. Người bệnh nên tập luyện sức mạnh với 8-10 bài tập khác nhau, mỗi bài hoàn thành từ 1-3 hiệp với 10-15 lần lặp lại. Để duy trì thói quen nhất quán, bạn nên đặt mục tiêu xen kẽ giữa ngày tập luyện sức mạnh và tập thể dục nhịp điệu hoặc thực hiện cả hai vào cùng ngày thì có một ngày nghỉ giữa các buổi tập.
Người tiểu đường dùng insulin hoặc thuốc kiểm soát insulin cần điều chỉnh lượng phù hợp với mức độ hoạt động thể chất. Vì nếu lượng dùng không hợp lý, người bệnh có nguy cơ bị hạ đường huyết trong khi tập thể dục. Hạ đường huyết có nhiều khả năng xảy ra nếu tập luyện quá sức hoặc tập quá lâu, ăn ít hoặc không ăn (bỏ bữa) trước khi tập thể dục. Các triệu chứng hạ đường huyết khi tập thể dục có thể gồm: khó tập trung, run chân tay, chóng mặt, mệt mỏi và khó chịu.
Để giảm nguy cơ bị hạ đường huyết khi tập thể dục, mọi người hãy kiểm tra lượng đường trong máu trước khi bắt đầu tập luyện. Nếu dưới 100 mg/dL, người tập nên ăn 15-20g carbohydrate để tăng đường huyết. Sau ăn 15 phút, kiểm tra lại đường huyết, nếu vẫn dưới 100 mg/dL, lặp lại cách làm trên cho đến khi lượng đường trong máu trên 100 mg/dL mới bắt đầu tập thể dục.
Nguồn cung cấp nhanh 15-20g carbohydrate gồm 4 viên glucose (4 g mỗi viên), 120 ml (khoảng nửa cốc) nước trái cây, mỗi muỗng canh đường hoặc mật ong. Bạn nên đem theo carbohydrate (kẹo, viên đường, viên glucose...) bên mình để phòng trường hợp bị hạ đường huyết trong khi tập luyện. Khi bắt đầu tập thể dục, nên tập từ từ để cơ thể có thời gian điều chỉnh. Sau đó, tăng dần cường độ, thời gian và tần suất tập theo thời gian nhằm tránh nguy cơ hạ đường huyết.
Trong khi tập thể dục cần cung cấp đủ nước cho cơ thể để tránh mất nước. Mất nước trong khi tập thể dục có thể gây ra các triệu chứng tương tự hạ đường huyết như mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, choáng váng và khó tập trung.
Bệnh nhân tiểu đường khi bắt đầu tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động thể chất khác nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo bạn đủ sức khỏe và loại hình phù hợp. Một số loại thuốc điều trị tiểu đường có thể gây ra hạ đường huyết khi tập thể dục, nên hỏi ý kiến bác sĩ để phòng ngừa trước khi bắt đầu tập. Mọi người cần có giày thể thao hỗ trợ, vừa vặn để tập thể dục nhằm ngăn ngừa tổn thương da và loét bàn chân, một biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường.
Mai Cát
(Theo Very Well Health)