Huyết áp cao (tăng huyết áp) có thể âm thầm làm tổn thương cơ thể trong nhiều năm trước khi các triệu chứng phát triển. Huyết áp cao không được kiểm soát có thể dẫn đến tàn tật, giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí gây đau tim hoặc đột quỵ. Điều trị và thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát huyết áp cao để giảm nguy cơ biến chứng đe dọa tính mạng. Dưới đây là các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Phá hủy động mạch
Các động mạch khỏe mạnh, linh hoạt, mạnh mẽ và đàn hồi. Lớp lót bên trong của chúng trơn nhẵn để máu lưu thông tự do, cung cấp oxy, chất dinh dưỡng cho các cơ quan, mô quan trọng.
Huyết áp cao làm tăng dần áp lực của máu chảy qua các động mạch, có thể làm động mạch bị tổn thương và thu hẹp. Tăng huyết áp có thể làm hỏng các tế bào của lớp lót bên trong động mạch. Khi chất béo từ thức ăn đi vào máu, chúng có thể tích tụ trong các động mạch bị tổn thương. Cuối cùng, thành động mạch trở nên kém đàn hồi, hạn chế lưu lượng máu đi khắp cơ thể.
Bên cạnh đó, huyết áp cao còn làm phình mạch. Theo thời gian, áp lực liên tục của máu di chuyển qua động mạch bị suy yếu có thể khiến một phần thành của nó mở rộng, tạo thành một chỗ phình (chứng phình động mạch). Phình mạch có khả năng bị vỡ và gây chảy máu trong, đe dọa tính mạng. Phình mạch có thể hình thành ở bất kỳ động mạch nào nhưng chúng phổ biến nhất ở động mạch lớn của cơ thể (động mạch chủ).
Gây đau tim, suy tim
Huyết áp cao có thể gây ra nhiều vấn đề về tim. Các động mạch bị thu hẹp và tổn thương do huyết áp cao gặp khó khăn trong việc cung cấp máu cho tim. Lượng máu đến tim quá ít có thể dẫn đến đau ngực (đau thắt ngực), nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim) hoặc đau tim.
Huyết áp cao cũng buộc tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đến phần còn lại của cơ thể. Điều này làm cho buồng tim phía dưới bên trái (tâm thất trái) dày lên. Tâm thất trái dày lên làm tăng nguy cơ đau tim, suy tim, đột tử do tim. Mặt khác, theo thời gian, sự căng thẳng lên tim do huyết áp cao có thể khiến cơ tim yếu đi, hoạt động kém hiệu quả hơn, dẫn đến suy tim.
Làm tổn thương não
Bộ não phụ thuộc vào nguồn cung cấp máu nuôi dưỡng để hoạt động bình thường. Huyết áp cao có thể ảnh hưởng đến não theo nhiều cách.
Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) đôi khi còn được gọi là chứng mất máu, là quá trình cung cấp máu cho não bị gián đoạn ngắn, tạm thời. Các động mạch cứng hoặc cục máu đông do huyết áp cao có thể gây ra cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua. TIA thường là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.
Đột quỵ xảy ra khi một phần não không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng, khiến các tế bào não bị chết. Các mạch máu bị tổn thương do huyết áp cao có thể bị thu hẹp, vỡ hoặc rò rỉ. Huyết áp cao cũng có thể gây ra các cục máu đông hình thành trong động mạch dẫn đến não, ngăn chặn lưu lượng máu và có khả năng gây đột quỵ.
Ngoài ra, các động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn có thể hạn chế lưu lượng máu đến não, dẫn đến mất trí nhớ (sa sút trí tuệ do mạch máu). Đột quỵ làm gián đoạn lưu lượng máu lên não cũng có thể gây ra chứng sa sút trí tuệ do mạch máu.
Suy giảm nhận thức mức độ nhẹ là một giai đoạn chuyển tiếp giữa những thay đổi trong hiểu biết và trí nhớ thường đi kèm với quá trình lão hóa, vấn đề nghiêm trọng hơn do chứng sa sút trí tuệ gây ra. Các nghiên cứu cho thấy huyết áp cao có thể dẫn đến suy giảm nhận thức nhẹ.
Gây hại cho thận
Thận lọc chất lỏng dư thừa và chất thải ra khỏi máu. Quá trình này đòi hỏi các mạch máu khỏe mạnh. Huyết áp cao có thể gây tổn thương, phá hủy các mạch máu trong cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận. Bệnh tiểu đường cùng với huyết áp cao có thể làm tổn thương này thêm trầm trọng.
Sẹo thận (xơ cứng cầu thận) là một trong những vấn đề về thận do huyết áp cao gây ra. Loại tổn thương này xảy ra khi các mạch máu nhỏ bên trong thận bị sẹo, không thể lọc chất lỏng và chất thải ra khỏi máu một cách hiệu quả. Bệnh xơ cứng cầu thận có thể dẫn đến suy thận.
Huyết áp cao cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của suy thận. Các mạch máu bị tổn thương khiến thận không thể lọc chất thải ra khỏi máu một cách hiệu quả, tạo điều kiện cho chất lỏng, chất thải tích tụ ở mức độ nguy hiểm. Phương pháp điều trị có thể bao gồm lọc máu hoặc ghép thận.
Làm tổn thương mắt
Huyết áp cao có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ, mong manh cung cấp máu cho mắt. Tổn thương mạch máu trong mô nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau của mắt (võng mạc) có thể dẫn đến chảy máu trong mắt, mờ mắt và mất thị lực hoàn toàn. Mắc bệnh tiểu đường cùng với huyết áp cao càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh võng mạc.
Trong khi đó, lưu lượng máu bị tắc nghẽn có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác, dẫn đến chảy máu trong mắt hoặc giảm thị lực.
Làm rối loạn chức năng tình dục
Tình trạng rối loạn cương dương ngày càng trở nên phổ biến ở nam giới khi bước vào tuổi 50. Nhưng nam giới bị huyết áp cao thậm chí có nhiều khả năng bị rối loạn cương dương hơn, bởi vì lưu lượng máu hạn chế do huyết áp cao, có thể ngăn máu chảy đến dương vật.
Phụ nữ cũng có thể bị rối loạn chức năng tình dục do huyết áp cao. Lưu lượng máu đến âm đạo giảm có thể dẫn đến giảm ham muốn tình dục hoặc giảm kích thích, khô âm đạo, khó đạt được cực khoái.
Cấp cứu cao huyết áp
Huyết áp cao thường là một tình trạng mạn tính, dần dần gây ra tổn thương trong nhiều năm. Nhưng đôi khi huyết áp tăng nhanh, nghiêm trọng đến mức nó trở thành một trường hợp cấp cứu y tế cần được điều trị ngay lập tức, thường phải nhập viện.
Trong những tình huống này, huyết áp cao có thể gây mù lòa; đau ngực; các biến chứng trong thai kỳ (tiền sản giật hoặc sản giật); đau tim; mất trí nhớ, thay đổi tính cách, khó tập trung, cáu kỉnh hoặc mất ý thức tiến triển; tổn thương nghiêm trọng đối với động mạch chính của cơ thể; đột quỵ; sự bơm máu của tim bị suy giảm đột ngột, dẫn đến việc dự phòng chất lỏng trong phổi dẫn đến khó thở (phù phổi); mất chức năng thận đột ngột.
Châu Vũ (Theo Mayo Clinic)