Trước đó một ngày, anh Phan đau lưng dữ dội, cơn đau tập trung ở vùng giữa hai xương bả vai lan ra xương ức trước ngực và hai cánh tay, kèm vã mồ hôi, choáng váng. Anh được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Ngày 19/7, BS.CKI Nguyễn Thị Lệ Chi, khoa Nội Tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tại thời điểm nhập viện, tim người bệnh co bóp tốt, không tổn thương van tim, không tràn dịch màng tim. Tuy nhiên, huyết áp bệnh nhân lên tới 219/103 mmHg dù không có tiền căn tăng huyết áp. Anh uống thuốc hạ áp giảm xuống 180/100 mmHg, song vẫn đau vùng lưng trầm trọng.
Nghi ngờ cơn đau liên quan đến cột sống, bác sĩ chỉ định chụp MRI ghi nhận thoái hóa cột sống ngực và cho người bệnh uống thuốc giảm đau. Vài giờ sau, cơn đau cải thiện nhiều, huyết áp vẫn không giảm dù được điều trị tích cực bằng nhiều loại thuốc hạ áp. Chỉ số duy trì khoảng 180/100 mmHg (bình thường là 120/80 mmHg), anh có nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim...
Bác sĩ tiếp tục siêu âm động mạch thận, nhưng chưa ghi nhận bất thường do thành bụng bệnh nhân dày khó khảo sát động mạch thận. Chỉ số huyết áp cổ chân - cánh tay (ABI) chênh lệch không đáng kể, mạch hai tay và hai chân đều, rõ.
ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội Tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chỉ định thực hiện các xét nghiệm tim mạch, kết quả cho thấy chỉ số D-dimer đánh giá tình trạng huyết khối trong mạch máu tăng gấp 13 lần người bình thường. Bác sĩ nghi tình trạng này liên quan đến bệnh lý mạch máu như thuyên tắc phổi hay bóc tách động mạch chủ.
Người bệnh được chụp CT khảo sát toàn bộ động mạch vành, động mạch phổi, động mạch chủ cùng lúc. Kết quả cho thấy động mạch chủ bị bóc tách một đoạn kéo dài từ động mạch dưới đòn trái xuống động mạch chậu chung trái, làm hẹp mạch máu nuôi thận. "Đây là lý do khiến huyết áp bệnh nhân không hạ dù được điều trị tích cực trong nhiều giờ", bác sĩ Kiều nói.
Bác sĩ Kiều giải thích động mạch chủ là mạch máu chính và lớn nhất trong cơ thể, đưa máu giàu oxy và dinh dưỡng từ tim đến các cơ quan. Thành động mạch chủ có ba lớp theo thứ tự từ trong ra ngoài gồm nội mạc, trung mạc và ngoại mạc. Bóc tách động mạch chủ xảy ra đột ngột khi lớp nội mạc bị rách, dẫn đến máu giảm lưu thông trong lòng mạch thật mà đi trong lòng mạch giả. Lúc này, dòng máu đến các bộ phận của cơ thể bị chậm lại hoặc tắc nghẽn. Khi đó, thành động mạch chủ suy yếu, có nguy cơ vỡ gây tử vong.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, cho biết hình ảnh siêu âm qua thành ngực khó đánh giá chính xác động mạch chủ, dễ khiến bỏ sót bệnh lý liên quan đến bóc tách động mạch chủ. Trường hợp này, bác sĩ dựa trên chỉ số D-dimer quá cao để chỉ định chụp CT mạch máu, nhờ đó tìm được bệnh và chữa trị hiệu quả cho bệnh nhân.
Tình trạng bóc tách động mạch chủ của anh Phan chưa gây biến chứng giảm tưới máu cơ quan, bác sĩ chưa chỉ định đặt stent graft. Bệnh nhân được điều trị nội khoa bằng thuốc kiểm soát huyết áp, nhịp tim qua đường truyền tĩnh mạch. Sau một ngày, anh hết đau ngực, đau lưng, huyết áp ổn định ở mức 117/65 mmHg, nhịp tim 70 lần/phút. Người bệnh được theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn, đánh giá để phát hiện kịp thời tổn thương các cơ quan nội tạng.
Bác sĩ Kiều cho biết bóc tách động mạch chủ xảy ra với tỷ lệ khoảng 5-30/1.000.000 trường hợp, nguy hiểm. Trường hợp anh Phan nếu không phát hiện và được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong 50% trong 48 giờ đầu tiên khởi phát. Bệnh có thể dẫn tới biến chứng như xuất huyết trong ồ ạt, tổn thương nội tạng, suy thận hoặc thiếu máu hoại tử ruột đe dọa tính mạng, đột quỵ, tổn thương van động mạch chủ (hở van động mạch chủ cấp tính), tràn máu màng tim gây chèn ép tim cấp.
Điều trị bóc tách động mạch chủ phụ thuộc vào vị trí vết rách và loại bóc tách. Các phương pháp bao gồm điều trị nội khoa, phẫu thuật thay ống ghép, đặt stent graft nội mạch, kết hợp phẫu thuật - đặt stent graft. Sau can thiệp, bệnh nhân cần theo dõi suốt đời để phát hiện sớm biến chứng.
Giảm rủi ro bóc tách động mạch chủ bằng cách thay đổi các yếu tố nguy cơ như hạ huyết áp xuống mục tiêu 120/80 mmHg bằng thuốc, ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, kiểm soát căng thẳng, tránh tác động mạnh vùng ngực. Tránh thừa cân béo phì, không hút thuốc lá, khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có dấu hiệu bất thường cũng giúp phòng bệnh.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |