Ông Chính yếu nửa người trái, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiền sử nhồi máu não cách đây 20 năm. Đầu tháng 4, ông mệt nhiều, ho khan, nôn ói, mua thuốc tiêu hóa uống không đỡ. Ông lo đây là dấu hiệu cảnh báo tái phát đột quỵ, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám.
Ngày 24/4, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết bệnh nhân có kích thước động mạch chủ ngực lên lớn nhất là 46 mm, động mạch chủ ngực xuống 40 mm (bình thường 20-30 mm). Mạch máu phía sau động mạch dưới đòn bị tổn thương, tạo thành một túi phình giả kích thước khoảng 51x35 mm dọa vỡ. Đoạn mạch phình chèn vào dây thần kinh số 10 (thường gọi là dây thần kinh lang thang), tác dụng điều hòa hệ tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, sinh dục khiến bệnh nhân mệt mỏi, nôn kéo dài.
Ông Chính được phẫu thuật bắc cầu kết hợp đặt stent graft để ngăn ngừa nguy cơ vỡ túi phình đe dọa tính mạng, phòng ngừa các mảng xơ vữa động mạch vỡ ra, gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc động mạch chi dưới...
Đoạn động mạch chủ ngực bị phình nằm chắn một trong số ba nhánh động mạch lớn nuôi não nên ê kíp phẫu thuật bắc cầu trước. Trong hai giờ, bác sĩ rạch đường mổ ở cổ, tạo một cầu nối bắc qua động mạch bị khối phình chặn, giúp máu lưu thông trơn tru.
"Mổ đường ngực dễ hơn nhưng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng xương ức, vỡ khối phình, hậu phẫu kéo dài", bác sĩ Dũng nói. Ba ngày sau, vết mổ ở cổ ổn định, ê kíp đặt stent graft cho người bệnh.
ThS.BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết trường hợp khối phình có nguy cơ vỡ cao, sức khỏe bệnh nhân tốt, bác sĩ thực hiện cùng lúc hai thủ thuật (vừa phẫu thuật tạo cầu nối lên não vừa đặt stent graft động mạch chủ ngực) cùng lúc. Tuy nhiên, ông Chính đến viện sớm, chưa có triệu chứng đau ngực dữ dội, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp hay ngất xỉu..., bác sĩ đánh giá túi phình chưa vỡ ngay nên chia thủ thuật thành hai lần. Điều này giảm rủi ro như tụt huyết áp, chảy máu trong và sau mổ cho người bệnh. Ông Chính tỉnh táo, hết hẳn triệu chứng khó chịu vài giờ sau đó.
Phình động mạch chủ ngực thường gặp ở người hút thuốc lá nhiều năm, trên 65 tuổi, nam giới, có bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh, tăng huyết áp. Bệnh không gây nguy hiểm tính mạng ở giai đoạn đầu. Phát hiện bệnh sớm giúp bác sĩ có phương pháp điều trị phù hợp, phòng tránh rủi ro vỡ khối phình. Người xuất hiện các dấu hiệu mất ý thức (ngất xỉu hoặc bất tỉnh), tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, đau đột ngột, dữ dội ở ngực, bụng hoặc lưng cần đến viện ngay.
Để giảm nguy cơ phình động mạch chủ ngực, bác sĩ Hiếu khuyến cáo không nên hút thuốc lá và không tiếp xúc với khói thuốc. Phòng tránh xơ vữa động mạch bằng cách giảm muối. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol xấu. Nên tập luyện vừa sức với các bài tập tốt cho tim mạch như đi bộ, bơi lội, yoga, đạp xe..., giảm căng thẳng, kiểm soát huyết áp, bệnh lý nền.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |