Vết luồn kim sinh thiết của phương pháp hút chân không (VABB) chỉ khoảng 5 mm, sẽ liền lại sau 2-3 ngày và mờ dần, không để lại sẹo. Hiện tại, sức khỏe của chị Đinh Thu Hà (41 tuổi, Hải Phòng) ổn định và được xuất viện.
Chị Hà kể lại, chị đặt túi ngực từ 7 năm trước. Khi đó, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ phát hiện chị có u vú nên đề nghị bóc u nhưng chị Hà không đồng ý. Gần đây, chị thấy khối u có dấu hiệu to lên, gây căng tức, đau nhói mỗi lần đến kỳ kinh nguyệt nên đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội vào ngày 8/11.
Kết quả siêu âm ngực cho thấy, khối u đường kính 3 cm, nổi lên ngay dưới lớp da và cách túi ngực chỉ 2 mm. BS.CKII Lê Nguyệt Minh (Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp) cho biết, khối u nằm ở vị trí này gây đau nhiều cho người bệnh và rất khó để loại bỏ. Phẫu thuật có thể lấy hết u nhưng sẽ để lại đường rạch dài trên ngực khiến bệnh nhân tự ti.
Bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp hút chân không để đạt được cùng lúc 3 mục tiêu gồm loại bỏ toàn bộ u, không xâm lấn túi ngực và không để lại sẹo, đảm bảo thẩm mỹ cho người bệnh. Đây là một thủ thuật khó khi khối u gần như áp sát túi độn ngực, nguy cơ chọc kim gây thủng túi ngực rất cao.
Đầu tiên, bác sĩ Nguyệt Minh tiến hành bơm thuốc tê để tăng khoảng cách giữa khối u và túi ngực lên 5 mm. Sau đó, dưới hướng dẫn siêu âm, bác sĩ dùng kim sinh thiết tiếp cận khối u, cắt và hút u với sự hỗ trợ của lực hút chân không. Do u nằm sát túi ngực, thao tác của bác sĩ phải thận trọng và khéo léo để tránh đâm vào túi ngực gây vỡ hay rò rỉ. Chỉ sau 5 phút, khối u được lấy ra hoàn toàn, túi ngực được bảo tồn nguyên vẹn.
"Lúc vào viện, tôi nghĩ có thể phải phẫu thuật. Thật nhẹ nhõm khi cuối cùng được bác sĩ lấy khối u ra nhanh chóng mà không phải mang vết sẹo dài trên ngực", chị Hà chia sẻ.
Theo bác sĩ Nguyệt Minh, phụ nữ đặt túi ngực khi bị u xơ tuyến vú thường có tâm lý ngại can thiệp điều trị, vì sợ sẹo hoặc xâm lấn gây hỏng túi ngực. Phương pháp điều trị kinh điển trước đây là phẫu thuật bóc u, nhưng có thể gây biến dạng tuyến vú và để lại sẹo. Do đó, đa phần người bệnh chấp nhận sống chung với khối u vú. Theo thời gian, u có thể to lên dưới sự chèn ép của túi ngực gây đau, nhất là vào kỳ kinh nguyệt khi cơ thể thay đổi nội tiết tố. Mặt khác, dù khả năng u xơ tuyến vú tiến triển ung thư rất thấp nhưng u xơ có thể gây thay đổi trong vú khiến quá trình sàng lọc ung thư vú khó khăn hơn.
Bác sĩ Nguyệt Minh chia sẻ thêm, từ khi kỹ thuật hút chân không được ứng dụng rộng rãi, tỷ lệ bệnh nhân mắc u vú đồng ý điều trị tăng lên đáng kể, trong đó có những người đặt túi ngực. Phương pháp này cũng góp phần tăng hiệu quả sàng lọc ung thư vú. Khối u được hút ra là mẫu bệnh phẩm tốt để bác sĩ giải phẫu bệnh tìm tế bào ác tính, không bỏ sót tế bào ung thư giai đoạn sớm. Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy, đặt túi ngực làm tăng hay giảm nguy cơ mắc u xơ, ung thư vú. Phụ nữ đặt túi ngực vẫn cần tầm soát ung thư vú hàng năm giống như người không đặt túi ngực.
Hiện nay, một số đơn vị khám, tầm soát ung thư vú, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã ứng dụng phương pháp chụp nhũ ảnh kỹ thuật số cắt lớp (DBT) thay thế cho phương pháp chụp 2D truyền thống. Kỹ thuật này giúp giảm đau khi ép vú, hạn chế tia X, khắc phục tình trạng xảo ảnh chồng lấp, tăng độ chính xác và rút ngắn quy trình sàng lọc ung thư vú giai đoạn sớm. Tuy nhiên, phụ nữ đặt túi độn ngực nên được khám và siêu âm trước khi chỉ định chụp nhũ ảnh. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tầm soát bằng chụp cộng hưởng từ tuyến vú cho người đặt túi ngực để không gây khó chịu do ép ngực.
* Tên người bệnh đã được thay đổi.
Hoài Phạm
Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh