"Khách hàng là thượng đế" từng được coi là tôn chỉ hoạt động chuẩn mực của nhưng người làm ngành dịch vụ. Chăm sóc khách hàng chu đáo, tận tình được xem là chìa khóa thành công. Thế nhưng, ngày nay, có những chuyện ngược đời khi nhiều cửa hàng kinh doanh đồ ăn tạo thương hiệu, tên tuổi bằng việc mắng chửi khách hàng. Lạ ở chỗ, không ít người sẵn sàng chấp nhận thái độ thiếu tôn trọng ấy của chủ quán, thậm chí càng chửi quán lại càng đông khách. Có người còn coi đây như một nét văn hóa ẩm thực riêng.
Nói về câu chuyện này, độc giả Pan cho rằng, nguyên nhân đến từ chính sự dễ dãi của khách hàng: "Thực trạng này nói lên 'văn hóa ẩm thực' của thực khách bây giờ. Nhiều người chỉ cần món ăn ngon thì mọi yếu tố khác không còn là vấn đề, và họ rất tự hào về quan điểm đó của mình. Tôi từng được chứng kiến tận mắt có những người trong bộ đồ vest, tay bưng bát phở (không cần bàn ghế, vì lúc đó quán đông và đã hết chỗ ngồi) ngồi xổm bên lề đường tại Hà Nội, ngay miệng cống mở, ăn ngon lành bất chấp bị chủ quán nặng lời.
Qua những gì họ nói với nhau, tôi hiểu rằng với không ít người, đây là cách thể hiện rằng đó mới là 'đẳng cấp' trong ẩm thực. Khoảng 40-50 năm về trước, tôi hoàn toàn không thấy những cảnh này ở Hà Nội. Đúng là văn hóa ẩm thực mới đã được hình thành, và tôi tự hỏi có lẽ mình đã lạc hậu với cái mới chăng?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Langduphong0612 nhấn mạnh: "Những khách hàng dễ dãi, hay nói đúng hơn là thiếu lòng tự trọng đã vô tình tạo đất sống cho 'bánh mắng, bún chửi'. Những người chủ quán hay mắng chửi khách không phải vì tính họ thế, mà vì đây là một cách quảng cáo thương hiệu. Họ thu hút khách hàng nhờ cách tiếp thị 'độc lạ' này, lôi kéo những người thích sự ngược đãi.
Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta không nên vì thấy tò mò, muốn trải nghiệm để rồi lâu dần thành quen, tiếp tay cho cung cách phục vụ thiếu văn hóa thế này. Khi ta bỏ tiền túi ra mua món hàng, nếu không được phục vụ chu đáo thì nên góp ý, phê bình, và thậm chí phải quay lưng để người bán chấn chỉnh phong cách phục vụ.
Bạn có thể không cảm thấy gì khi bị chủ quán mắng chửi vô lối, nhưng phong cách phục vụ này sẽ ảnh hưởng hình ảnh thân thiện, một giá trị thương mại của Việt Nam, gây mất thiện cảm trong con mắt khách du lịch nước ngoài. Hơn nữa, phong cách phục vụ này càng phổ biến, càng chứng tỏ sự suy thoái về giáo dục, về văn hóa ứng xử và đạo đức công cộng của một bộ phận người dân".
>> Cãi vã vì đợi 30 phần bánh căn quá lâu ở Đà Lạt
Thời gian qua, nhiều trường hợp chủ quán có thái độ không đúng mực với thực khách diễn ra trên khắp cả nước. Gần nhất là vụ việc quán ăn ở Đà Lạt bị phạt 16 triệu đồng vì có lời lẽ xúc phạm nhóm du khách sau khi bị phàn nàn phục vụ chậm. Điều đáng nói, dù chuyện xử phạt diễn ra không ít, nhưng khắp nơi, "bún mắng, cháo chửi" vẫn tồn tại và sống khỏe.
Cho rằng những hình ảnh này sẽ để lại nhiều hệ lụy cho văn hóa và du lịch, độc giả Nguyễn Anh Tú nhấn mạnh: "Khi chúng ta tặc lưỡi cho qua những hành vi thiếu văn hóa như thế này, cũng đồng nghĩa với việc hạ thấp chính văn hóa của bản thân. Phải chăng chúng ta đã quá dễ dãi khi thản nhiên ngồi ăn uống khi thấy những người xung quanh, và rất có thể chính bản thân mình phải nghe những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa của chủ quán?".
"Cứ nghĩ một ngày nào đó quán nào cũng có thái độ mắng chửi khách hàng, vậy xã hội sẽ thế nào? Bạn dẫn con cái vào quán ăn như vậy, sẽ giải thích như thế nào cho con hiểu? Rồi mấy đứa nhỏ nhìn cái gương đó mà làm theo thì sao? Đã bỏ tiền ra để ăn, để thưởng thức, mà bên tai cứ bị nghe tiếng chửi, có phải quá dễ dãi? Hãy trân trọng những đồng tiền mình kiếm được", bạn đọc Quan Nguyen Vu Nhat nói thêm.
Văn hóa ẩm thực đường phố luôn là một trong những niềm tự hào, điểm sáng của du lịch Việt Nam. Nhưng muốn coi đây là điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến với Việt Nam thì hơn ai hết chính khách hàng trong nước phải là những nhân tố chính yếu để bài trừ biểu hiện vô văn hóa, thiếu chuẩn mực ra khỏi văn hóa ẩm thực đường phố.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.