Thứ năm, 28/2/2019, 00:00 (GMT+7)

Lợi ích Trump - Kim có thể đạt được từ hội nghị ở Hà Nội

Ông Trump thể hiện hình ảnh nhà đàm phán quốc tế khi đối mặt nhiều vấn đề trong nước còn ông Kim có thể đạt được chiến thắng về mặt tuyên truyền.

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Triều Tiên ngày 27/2 trò chuyện và dùng bữa tối cùng nhau tại Hà Nội trước hội nghị thượng đỉnh ngày 28/2. Giới chuyên gia đánh giá rằng dù chưa rõ cuộc họp sẽ có kết quả như thế nào, cả hai đều sẽ giành được lợi ích chính trị.

Đối với Tổng thống Trump, ông có thể nhấn mạnh rằng "kiểu đối thoại này tốt hơn nhiều so với những gì từng diễn ra", Richard Fenning, giám đốc công ty tư vấn Control Risks, nói, theo CNBC.

Các nỗ lực của các chính quyền trước đây nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên đều thất bại. Obama từng thực hiện chính sách "kiên nhẫn chiến lược", tức là không đối thoại cao cấp với Triều Tiên cho đến khi họ dừng những động thái Mỹ coi là khiêu khích. Nhưng trong quãng thời gian này, Bình Nhưỡng đã đẩy mạnh phát triển chương trình vũ khí.

Sau khi Trump và Kim Jong-un bày tỏ mong muốn đối thoại với nhau vào đầu năm 2018, Triều Tiên đã dừng thử vũ khí. Bình Nhưỡng lần gần đây nhất thử hạt nhân vào tháng 9/2017 và thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tháng 11/2017. Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái, Triều Tiên đã bàn giao hài cốt lính Mỹ tử trận trong chiến tranh và phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Vì vậy, với hội nghị thượng đỉnh, Trump thể hiện rằng ông đi theo hướng khác với những lãnh đạo tiền nhiệm. Ông phô diễn năng lực đàm phán trên trường quốc tế trong khi đối mặt với nhiều vấn đề trong nước. Tổng thống đang gặp nhiều thách thức như đảm bảo ngân sách để xây dựng tường ở biên giới Mỹ - Mexico, cuộc điều tra về nghi ngờ chiến dịch của ông thông đồng với Nga năm 2016 cũng như đàm phán với Trung Quốc về thỏa thuận thương mại.

"Ông ấy thể hiện vai trò chính khách quốc tế - điều có thể gây ấn tượng với cả lưỡng đảng ở Washington và việc đó có thể có lợi cho cuộc đàm phán của ông ấy với Trung Quốc", Fenning đánh giá.

Trong cuộc họp, Washington muốn nhìn thấy Triều Tiên có những cam kết cụ thể đủ để thuyết phục họ tin rằng Triều Tiên thực sự nghiêm túc về việc phi hạt nhân hóa.

"Ví dụ Triều Tiên từng nói sẽ cho phép thanh sát cơ sở hạt nhân Yongbyon. Nhưng nó cụ thể là gì? Trong bao lâu? Và do ai thực hiện?", Paul Carroll, chuyên gia về Triều Tiên nói. "Cam kết ngừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa cũng được coi là một tiến bộ bởi về cơ bản, nó sẽ giúp hạn chế những phát triển trong chương trình tên lửa, hạt nhân Triều Tiên".

Đối với Chủ tịch Kim Jong-un, chỉ cần việc ông tham gia cuộc họp với Tổng thống Mỹ đã là chiến thắng tuyên truyền vì việc đó thể hiện Triều Tiên là đất nước được tôn trọng dù luôn khép kín với cộng đồng quốc tế, theo Adam Mount, chuyên gia Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ. 

"Ông ấy chỉ cần lặp lại 'màn trình diễn' tại Singapore - làm việc với Mỹ với tư cách một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, tìm những cơ hội mới về ngoại giao, thương mại và nâng cao cơ hội được nới lỏng trừng phạt", Mount nói.

Chủ tịch Kim Jong-un sẽ đạt được chiến thắng lớn nếu hai bên tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Một tuyên bố bằng miệng sẽ không phải là hiệp ước hòa bình chính thức kết thúc chiến tranh nhưng nó sẽ đủ để được coi như chiến thắng tuyên truyền mà ông Kim mang về nhà cho người dân, Jean H. Lee, chuyên gia từ trung tâm về lịch sử và chính sách công Triều Tiên, nhận định.

Kết thúc Chiến tranh Triều Tiên là mục tiêu mà cả cha và ông nội của ông Kim Jong-un chưa làm được. Nếu ông Kim Jong-un có thể hoàn thành nhiệm vụ này, điều đó sẽ củng cố quyền lực của ông trong nước với tư cách là một chính khách và nhà chiến lược quân sự bậc thầy.

Tuyên bố đó sẽ cho phép ông Kim hướng sự tập trung của đất nước từ chiến tranh sang phát triển kinh tế, đồng thời mở đầu cho quá trình đàm phán dài hơi về một hiệp ước hòa bình chính thức với Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ.

Chuyên gia Lee cho rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu của ông Kim. Một khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng, Hàn Quốc sẽ sẵn sàng khởi động lại các dự án kinh tế chung có thể đóng vai trò là huyết mạch kinh tế cho Bình Nhưỡng cũng như tái thiết cơ sở hạ tầng cho Triều Tiên.

Ngoài ra, Mỹ - Triều có thể đạt được những kết quả như mở văn phòng liên lạc hay trao đổi văn hóa. Những biện pháp này có thể mang lại cảm giác đôi bên cùng có lợi và sau đó các nhóm công tác sẽ tiếp tục làm việc chi tiết.

Giới phân tích cảnh báo không nên đặt kỳ vọng quá nhiều vào một thỏa thuận mang tính bước ngoặt trong hội nghị thượng đỉnh lần này, tuy nhiên, Fenning nhấn mạnh: "Cộng đồng quốc tế có thể nói rằng không có nhiều tiến bộ xảy ra nhưng nếu bạn nhìn vào chương trình nghị sự trong nước đối với ông Kim Jong-un và ông Trump, kết quả hạn chế vẫn được coi là thành công".

Phương Vũ

 

Chia sẻ bài viết qua email