Thứ bảy, 23/2/2019, 23:06 (GMT+7)

Các lớp an ninh bảo vệ đoàn tàu bọc thép của Kim Jong-un

Luôn có ba đoàn tàu bọc thép được sử dụng để chở lãnh đạo Triều Tiên nhằm đảm bảo tốt nhất an ninh cũng như công tác hậu cần.

Đoàn tàu sơn xanh với đường màu vàng chạy dọc thân là dấu hiệu cho thấy đây là tàu của lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Đoàn tàu sơn xanh với đường màu vàng chạy dọc thân là dấu hiệu cho thấy đây là tàu của lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời một nguồn tin ngoại giao Triều Tiên cho biết Chủ tịch Kim Jong-un vào 17h chiều nay đã rời thủ đô Bình Nhưỡng để đến Hà Nội trên một đoàn tàu bọc thép. Trang tin NK News của Mỹ tối cùng ngày đưa tin đoàn tàu chở ông Kim đã qua sông Áp Lục để vào lãnh thổ Trung Quốc.

Thông tin về đoàn tàu bọc thép của lãnh đạo Triều Tiên thường được giữ kín, chủ yếu được tiết lộ từ một số báo cáo của tình báo Hàn Quốc và lời kể của một số quan chức nước ngoài từng có cơ hội lên tàu, cũng như các hình ảnh hiếm hoi trên truyền thông nhà nước Triều Tiên, theo New York Times.

Ông Kim năm ngoái cũng sử dụng đoàn tàu bọc thép để di chuyển tới Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đoàn tàu này sơn màu xanh, các cửa sổ được lắp kính đen để ngăn cản mọi ánh nhìn tò mò từ bên ngoài, chạy dọc theo các toa tàu là một đường màu vàng, dấu hiệu cho thấy là đoàn tàu đặc biệt của lãnh đạo Triều Tiên.

Truyền thông Hàn Quốc năm 2009 dẫn các thông tin tình báo cho hay Triều Tiên có ít nhất 6 đoàn tàu bọc thép với tổng cộng 90 toa tàu để phục vụ việc di chuyển của lãnh đạo. Cố chủ tịch Kim Jong-il thường sử dụng những đoàn tàu này để thăm các tỉnh trong nước và thực hiện các chuyến công du nước ngoài.

Hình ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố cho thấy các toa tàu được gia cố bằng những tấm thép chống đạn lớn để bảo vệ những người bên trong khỏi nguy cơ bị tấn công bằng hỏa lực thông thường từ bên ngoài. Những tấm thép chống đạn kể trên làm trọng lượng mỗi toa tàu tăng thêm nhiều tấn, khiến đoàn tàu chỉ đạt được vận tốc tối đa 60 km/h dù sử dụng tới hai đầu kéo.

Tuy nhiên, vào năm 2004, khi đoàn tàu bọc thép của ông Kim Jong-il vừa chạy qua nhà ga ở Ryongchon, gần biên giới Triều Tiên, một đoàn tàu chở dầu và hóa chất đã vướng phải dây điện, gây ra vụ nổ lớn. Sự cố khiến Triều Tiên tăng cường đáng kể các biện pháp an ninh cho đoàn tàu bọc thép của lãnh đạo.

Kể từ đó, luôn có ba đoàn tàu bọc thép được sử dụng để chở lãnh đạo Triều Tiên. Đoàn tàu đầu tiên chở theo khoảng 100 sĩ quan an ninh di chuyển phía trước, có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát các nhà ga để phát hiện bom mìn và những mối đe dọa khác, cũng như xem xét mức độ an toàn của đường ray.

Đoàn tàu thứ hai thường chở lãnh đạo Triều Tiên, di chuyển sau đoàn tiền trạm từ 20 phút tới một giờ để đảm bảo an toàn. Đoàn tàu này được trang bị các hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, có toa riêng cho lãnh đạo với nội thất tiện nghi, cùng những toa khác cho đội ngũ trợ lý, quan chức và lực lượng cận vệ, theo Drive.

Toa tàu thứ ba chở đội ngũ an ninh, thành viên trong đoàn tùy tùng và các thiết bị liên lạc, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng như hàng hóa quá khổ. Đoàn tàu này còn chở theo hai xe Mercedes bọc thép để đưa lãnh đạo Triều Tiên rời khỏi tàu.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) trên chuyến tàu trở về Bình Nhưỡng sau chuyến thăm Bắc Kinh năm 2018. Ảnh: AP.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) trên chuyến tàu trở về Bình Nhưỡng sau chuyến thăm Bắc Kinh năm 2018. Ảnh: AP.

Khi hành trình bằng đường sắt của lãnh đạo Triều Tiên được xác nhận, các nhà ga trên tuyến đường sắt thường bị phong tỏa, đảm bảo an ninh 24 tiếng trước khi ba đoàn tàu đi qua. Trực thăng quân sự và chiến đấu cơ của Triều Tiên cũng có thể quần thảo trên bầu trời để tăng cường an ninh cho đoàn tàu.

Nếu sử dụng đoàn tàu bọc thép tới Hà Nội để dự hội nghị thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có thể phải mất khoảng 60 tiếng di chuyển trên hành trình gần 4.500 km.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap trước đó cũng cho rằng ông Kim sẽ sử dụng tàu bọc thép đặc biệt để tới Hà Nội thông qua Trung Quốc bởi hệ thống đường sắt của Việt Nam "có kết cấu tương đồng với hệ thống đường sắt Triều Tiên".

Vũ Hoàng

 

Chia sẻ bài viết qua email