Thứ ba, 26/2/2019, 11:26 (GMT+7)

Báo Hong Kong viết về thiện cảm của người Việt với thượng đỉnh Mỹ - Triều

Người Việt có cái nhìn thiện cảm với lãnh đạo Mỹ - Triều và phấn khởi khi nước nhà có thể đóng góp vào tiến trình hòa bình.

Tấm pano lớn ở đường dẫn từ trung tâm Hà Nội lên sân bay Nội Bài. Ảnh: Hữu Khoa.

Tấm pano lớn ở đường dẫn từ trung tâm Hà Nội lên sân bay Nội Bài. Ảnh: Hữu Khoa.

Ông Nguyen Duc Gan từng bị giam 4 năm trong một trại tù binh của Việt Nam Cộng hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng cựu binh 72 tuổi này giờ đây không oán hận người Mỹ. Thực tế, ông rất vui mừng khi chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh lần hai dự kiến diễn ra vào ngày 27-28/2.

"Tôi hay đọc báo và biết rằng truyền thông Mỹ không thích ông Trump, nhưng tôi thấy ông ấy là một người tuyệt vời", báo Hong Kong SCMP dẫn lời ông Nguyen nói.

SCMP nhận xét rằng đối với nhiều người Việt Nam, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là cơ hội để cho thấy đất nước không chỉ là nền kinh tế năng động thoát khỏi cái bóng của chiến tranh mà còn là một trung gian kiến tạo hòa bình. Cựu thù Mỹ giờ đây cũng đã trở thành bạn của Việt Nam.

"Vận mệnh quốc gia chúng tôi từng được quyết định trong cuộc họp ở nước ngoài như ở Genève, nhưng giờ đây, chúng tôi rất vui khi thấy Hà Nội là thành phố trung lập đóng góp vào hòa bình và ổn định", ông Nguyen nói, nhắc đến Hiệp định Genève 1954, chấm dứt sự hiện diện của quân Pháp tại Việt Nam.

Hơn ba triệu người Việt và 58.000 người Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh. Hà Nội và Washington bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, hai thập niên sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, sự kiện được tổng thống Mỹ lúc đó Bill Clinton mô tả là cơ hội để "hàn gắn vết thương".

Viet Phuong Nguyen, chuyên gia tại Trung tâm Khoa học và Quốc tế Belfer cho rằng do Việt Nam là bên chiến thắng trong chiến tranh, "người Việt nói chung không giữ mối hận thù với Mỹ và nhanh chóng tiếp cận Mỹ ngay sau cuộc chiến".

Kể từ khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam năm 1994 sau khi chính quyền Việt Nam giúp đỡ tìm kiếm binh sĩ Mỹ mất tích, thương mại song phương đã tăng gấp hơn 100 lần, đạt 54 tỷ USD vào năm 2017.

Việt Nam đã thực hiện Đổi mới, công cuộc cải cách kinh tế đạt được nhiều thành tựu trong những năm 1980. Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, với mức tăng trưởng hơn 7% vào năm ngoái.

Năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam khi ông đến thăm Hà Nội. Ông nói rằng đây là việc xóa bỏ dấu tích còn sót lại của Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Trump năm 2017 đến Đà Nẵng dự hội nghị thượng đỉnh APEC, sau đó tới Hà Nội hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhấn mạnh niềm tin chung về một Biển Đông tự do và cởi mở. Năm ngoái, tàu USS Carl Vinson thăm cảng Đà Nẵng, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam.

Ở Hà Nội, người dân cũng thể hiện thiện chí rất lớn đối với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Cố vấn kinh tế cấp cao Lê Đăng Doanh nói rằng người Việt có cái nhìn thiện cảm với gia đình họ Kim vì mối quan hệ hữu nghị lịch sử giữa hai quốc gia.

"Ông Kim rất trẻ, ông ấy thừa hưởng mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài giữa Việt Nam và Triều Tiên, và tôi nghĩ gia đình ông Kim rất được kính trọng ở Việt Nam", ông Doanh nói.

Ông Nguyen, chuyên gia tại Trung tâm Khoa học và Quốc tế Belfer, nói rằng hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim sắp tới có thể khiến mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington thêm nồng ấm.

"Bằng cách chọn Hà Nội là nơi diễn ra cuộc gặp với Chủ tịch Kim, Tổng thống Trump cho thấy rằng ông và chính quyền Mỹ tin tưởng Việt Nam có thể tổ chức thành công sự kiện quan trọng như vậy trong chương trình nghị sự", ông nói.

Phương Vũ

 

Chia sẻ bài viết qua email