Hội chứng chân không yên (còn gọi là bệnh Willis-Ekbom) là rối loạn thần kinh gây cảm giác thôi thúc dịch chuyển chân không kiểm soát. Bệnh lý thường khởi phát vào buổi tối hoặc giữa đêm, khi ngồi hay nằm, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Hội chứng chân không yên thường xảy hai lần mỗi tuần.
Di chuyển chân hoặc đi bộ có thể giúp giảm triệu chứng tạm thời. Khi nghỉ ngơi, nếu tình trạng đau buốt chân vẫn xảy ra, tức bệnh có chiều hướng trở nặng. Lâu ngày, người bệnh dễ bị kiệt sức, thiếu tỉnh táo, tâm trạng thay đổi thất thường, khó tập trung hoặc mắc các vấn đề về trí nhớ...
Bệnh nhân mắc chứng chân không yên cũng thường gặp phải tình trạng rối loạn cử động chân tay định kỳ. Rối loạn này khiến người bệnh thường dịch chuyển tay chân và phần thân vô thức. Khoảng 80% những người mắc hội chứng chân không yên thường mắc thêm biến chứng rối loạn cử động chân tay, theo nghiên cứu đăng trên Frontiers in Aging Neuroscience.
Di truyền là một trong những nguyên nhân gây hội chứng chân không yên. Người bị thiếu sắt, người đang mắc một số bệnh lý thần kinh, Parkinson, thần kinh ngoại biên... cũng thường bị dịch chuyển chân không kiểm soát. Theo nghiên cứu của Viện Rối loạn thần kinh và Đột quỵ quốc gia Mỹ, người trên 45 tuổi và phụ nữ mãn kinh ở Mỹ thường mắc phải hội chứng này.
Mức độ hormone dopamine thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng chân không yên. Dopamine là một trong những hormone "hạnh phúc" cần thiết cho não bộ, được sản xuất trong các mô thần kinh. Khi cơ thể sản sinh đủ dopamine, chúng ta luôn trong trạng thái vui vẻ, hưng phấn. Rối loạn chức năng giữa các tế bào sản xuất dopamine ở não giữa và vùng não đồi thị (có chức năng điều chỉnh cảm xúc) sẽ gây ra đau và khó chịu cho chân.
Ngoài ra, nguy cơ mắc hội chứng này thường cao hơn ở người bị bệnh thận giai đoạn cuối, người đang chạy thận nhân tạo, người bị thiếu ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ (nhất là chứng ngưng thở khi ngủ), phụ nữ đang mang thai và người thường xuyên uống đồ uống có cồn, nicotin, caffeine.
Để phòng mắc các bệnh lý nội thần kinh, trong đó có hội chứng chân không yên, bạn nên tránh ngồi một chỗ trong một tư thế quá lâu. Phụ nữ đang mang thai nếu mắc bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc để không ảnh hưởng đến thai kỳ. Nhiều trường hợp, hội chứng chân không yên sẽ tự khỏi sau sinh. Người cao niên nên lưu ý giữ ấm hoặc làm mát đôi chân, thư giãn tinh thần bằng các liệu pháp thở, yoga, thiền định.
Người trẻ cũng nên ngủ đủ giấc, ngủ và thức cùng thời điểm, hạn chế uống thức uống có cồn và caffeine. Các biện pháp thư giãn cho não bộ sau giờ tan làm cũng là cách phòng tránh các bệnh lý nội thần kinh.
Mai Chi
(Theo Very Well Health)