Hôm nay, tôi có đọc được bài thi viết trong đề thi đại học môn Ngữ văn ở Trung Quốc năm 2022. Đề văn toàn quốc có đại ý như sau: người ta đưa ra một bảng thống kê thành tích về việc thành phố Bắc Kinh tổ chức thành công sự kiện Olympic. Các chỉ số trong bảng bao gồm thành tích thi đấu Olympic, thể thao đại chúng, công nghệ nổi bật, hệ thống giao thông kết nối, kinh tế quốc gia. Phía dưới là một đoạn văn nói về sức mạnh, sự nhảy vọt, sự phục hưng của đất nước. Yêu cầu đưa ra là "bằng sự cảm nhận, sự trải nghiệm, các tư liệu khác, hãy viết một bài văn với chủ đề 'Vượt qua, tiếp tục vượt qua nữa' để thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của bạn".
Đề thi Văn toàn quốc khu vực hai của họ thì như sau: người ta đưa ra quan điểm của những người trong mỗi ngành nghề, khát vọng của những người đó để tìm sự đổi mới, sự phát triển cho tương lai. Một nhà khoa học nhấn mạnh rằng "cần có những phương pháp mới, tư duy mới, kiến thức mới". Một nhiếp ảnh gia cho rằng "những thứ thật sự thuộc về chúng ta, là dân tộc, là máu huyết, sẽ mãi mãi trường tồn". Một kiến trúc sư cho rằng, cần thay đổi hình thức "nghìn thành như một" – ý chỉ quá trình đô thị hóa thiếu bản sắc dân tộc, thành phố nào cũng giống thành phố nào. Yêu cầu đưa ra là "kết hợp với nhận thức, suy nghĩ của bạn, hãy viết một đoạn văn với chủ đề 'lựa chọn – sáng tạo – tương lai'. Tự lựa chọn góc độ phù hợp, chọn dàn ý, thể văn rõ ràng, tự đặt tiêu đề".
Đó chỉ là hai trong bảy đề thi Văn đặc sắc trong năm 2022 của Trung Quốc. Ngược về trước năm 2021, 2020... họ còn nhiều đề thi hay hơn nữa. Đi kèm với những đề thi này chính là những bài viết vô cùng xuất sắc. Xuất sắc vì khả năng sáng tạo, kỹ năng dùng từ, sự hiểu biết kiến thức của các thí sinh. Tôi chỉ có thể thốt lên hai từ "thán phục" trước những bài viết của các thí sinh.
Về thang điểm, phần thi viết chiếm 60 điểm (là phần chiếm nhiều điểm nhất), các phần còn lại bao gồm ngữ pháp, đọc, dịch từ... tổng chiếm 90 điểm.
>> Tôi chấp nhận điểm kém để con được viết Văn theo ý mình
Tôi lật lại đề thi Văn THPT của nước ta qua các năm, xét phần làm Văn (chiếm 5 điểm trên thang điểm 10), thấy nội dung chủ yếu là: phân tích đoạn trích "Chiếc thuyền ngoài xa" (năm 2022), phân tích đoạn thơ trong bài "Sóng" (năm 2021), phân tích đoạn thơ trong bài "Việt Bắc" (năm 2020), cảm nhận đoạn trích "Ai đặt tên cho một dòng sông" (năm 2019), lại là phân tích đoạn trích "Chiếc thuyền ngoài xa" (năm 2018), phân tích bài thơ "Đất nước" (năm 2017), phân tích "Vợ nhặt" (năm 2016), vẫn quay lại "Chiếc thuyền ngoài xa" (năm 2015)... Cứ thế liệt kê càng về sau thì càng trùng lặp. Tôi thật sự đặt ra trong đầu rất rất nhiều câu hỏi.
Thứ nhất, tại sao nước họ có thể ra những đề thi gợi mở, sáng tạo như thế, còn học sinh của ta năm này qua năm khác chỉ phân tích tác phẩm Văn học?
Thứ hai, phần thi nghị luận xã hội nước ta chỉ chiếm hai điểm (khoảng 200 chữ). Tôi xin hỏi, ai có thể nêu ra một vấn đề rồi lập luận, chứng minh suy nghĩ của mình trong 200 chữ (khoảng 10 dòng)? Có lẽ những người dạy Văn sẽ đưa ra lập luận học sinh cần viết ngắn gọn, súc tích. Nhưng ngắn gọn súc tích này chắc chỉ có ý nghĩa với người chấm, đọc cho nhanh, chấm cho gọn, theo barem là xong. Chứ tôi chưa bao giờ thấy một lập luận nào được biện chứng trong 200 chữ cả.
Thứ ba, tôi thật sự đặt ra thắc mắc về tác dụng của việc học rồi thi nghị luận Văn học (phần chiếm một nửa điểm của bài thi) để làm gì? Nghị luận Văn học có tác dụng gì với các ngành nghề các em theo đuổi sau này? Nghị luận Văn học có giúp các em nâng cao nhận thức các vấn đề, những thay đổi của xã hội hiện đại? Vẫn sẽ có những quan điểm biện hộ rằng những thông điệp trong tác phẩm có ý nghĩa trong cuộc sống ngày nay. Đúng là có, nhưng nó "dây mơ rễ má" quá. Nó không trực tiếp, trực quan, sinh động như nghị luận xã hội.
Lòng yêu nước giờ không còn là tinh thần dũng cảm chiến đấu chống xâm lược, mà còn thể hiện bằng cách suy nghĩ tìm giải pháp cho những tình trạng trên, hoặc ít nhất cũng có ý thức không xả rác bừa bãi, hay tham gia dọn sạch chung cho cộng đồng. Sự thay đổi có thể đến từ những kỳ tài trong các em hoặc từ tích lũy tìm giải pháp qua các thế hệ.
Bạo lực gia đình cũng không chỉ có trong "Chiếc thuyền ngoài xa". Có nhiều em có hoàn cảnh, nỗi đau tương tự, nhưng các em không biết nói sao, trình bày sao? Nhiều em chỉ biết chôn giấu trong lòng, cũng có những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Khi được lắng nghe, được trình bày, tôi nghĩ các em sẽ nhẹ nhõm đi một phần.
Tôi nghĩ rằng, tác dụng chính duy nhất của nghị luận Văn học giờ chỉ là thường thức mà thôi. Vậy mà các em tốn bao nhiêu thời gian chỉ để ôn đi ôn lại chừng đó tác phẩm, phụ huynh tốn bao nhiêu tiền để các em đi học, nhà trường tốn bao nhiêu thời gian chỉ để dạy học sinh những ý nghĩa trong tác phẩm. Đây chính là một điểm của sự lãng phí nhân lực, thời gian, tiền của của một quốc gia.
Chúng ta không chỉ lạc hậu so với nước tiên tiến khác, mà còn lạc hậu so với chính bản thân mình. Tôi đang nói về kỳ thi Hương, thi Hội của ông cha ta ngày xưa. Theo sách sử, kỳ thi Hương nhà Nguyễn có ba hoặc bốn vòng. Vòng đầu thi kinh nghĩa, gồm các sách tứ thư, ngũ kinh của Nho giáo. Vòng hai thi chiếu biểu (tức soạn thảo các văn bản hành chính như chiếu, biểu, sớ...). Vòng ba thi sáng tác thơ phú theo chủ đề. Vòng bốn thi văn sách để viết các bài tự luận. Có thể thấy đề thi ngày nay cũng chỉ tương đương với vòng thi kinh nghĩa – vòng thi mà chỉ cần thuộc lòng tứ thư ngũ kinh và trình bày cho đúng ý người xưa. Còn vòng bốn thi văn sách, viết các bài tự luận thì chúng ta không có.
Các trường đại học hàng đầu thế giới khi tuyển sinh đều yêu cầu học sinh viết một vài bài luận. Điều đó đủ để thấy sự coi trọng của họ với tư duy luận. Sự lớn mạnh như thổi của Trung Quốc đến từ đâu. Bởi vì con người họ sáng tạo hơn, suy nghĩ họ linh hoạt hơn. Họ có nhiều góc nhìn, nhiều tư duy lập luận sắc bén hơn. Điều đó khác hẳn với tư duy rập khuôn, nhàm chán mà học sinh nước ta đang tiếp nhận. Đến nỗi tác phẩm khoa học nổi tiếng nhất nước ta là "luận án tiến sĩ cầu lông". Đấy quả là một điều quá đáng buồn, đáng suy ngẫm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.