Gần đây, tôi thấy nhiều người mổ xẻ, tranh luận về việc học Văn trong trường phổ thông, cho rằng môn học này không thực tế, thiếu tính ứng dụng. Bản thân tôi là một học sinh lớp 10, thấy rằng Văn cũng như bao môn học khác, có những lợi ích riêng của nó, từ đó giúp chúng ta áp dụng những kiến thức ấy vào cuộc sống.
Thế nhưng hiện nay, một sai lầm mà hầu hết các bạn trẻ vẫn hay mắc phải chính là có suy nghĩ lệch lạc về môn Văn. Họ cho rằng Văn là học vẹt, học để đối phó với những bài kiểm tra, học cho có, cho thuộc và chỉ để đi thi. Với những người có suy nghĩ đó, chắc chắn sẽ không bao giờ tiến bộ và tiếp thu được những cái hay, cái đẹp mà môn Văn đem lại. Vì học Văn là học cả một quá trình, đó là cả một bầu trời kiến thức.
Nếu các bạn chịu học, chịu nghiên cứu và sẽ tuyệt vời hơn nếu thật sự nghiêm túc trong mỗi giờ học Văn, các bạn sẽ không thể ngờ rằng Văn lại đem đến cho ta nhiều bài học, nhiều lời hay ý đẹp đến thế. Nhà văn Maksim Gorky cũng từng nói rằng: "Văn học là nhân học" (học Văn là học làm người). Văn học sẽ giúp bạn trau dồi từ ngữ, làm giàu vốn Tiếng Việt.
Không chỉ riêng những bài học trong sách giáo khoa mà các tác phẩm văn học còn là một ý tưởng hết sức tuyệt vời nếu bạn không ngại dành thời gian và đọc chúng. Mỗi tác phẩm đều là những cung bậc cảm xúc khác nhau, mỗi giá trị khác nhau tùy vào những gì tác giả muốn truyền tải. Nhưng dù cho nội dung của mỗi cuốn sách có khác nhau, chúng đều có chung những bài học quý giá, đầy rẫy kinh nghiệm, cùng với đó là những giá trị nhân văn, nhân đạo luôn hướng đến con người. Và đó cũng chính là ưu thế của môn học này.
Tuy Văn học sẽ không có những lợi ích cụ thể để áp dụng từng cái vào mỗi lĩnh vực như Toán, Lý, Hóa... Nhưng Văn sẽ giúp chúng ta có suy nghĩ, nhận thức chín chắn và toàn diện hơn, từ đó biết hoàn thiện bản thân và sống tốt hơn, sống đẹp hơn với con người mình, với cuộc đời mình. Tóm lại, là một người yêu thích và có hứng thú với Văn, tôi tự tin khẳng định một điều rằng Văn từ trước đến nay vẫn luôn là một môn học hữu ích và ý nghĩa đối với tôi.
>> 'Học Văn lãng phí nếu chỉ để đi thi'
Vậy làm sao để phân tích các tác phẩm văn học đúng cách? Và việc làm ấy có vô ích, vô nghĩa không?
Sau khi đọc qua bài viết "Học văn lãng phí nếu chỉ để đi thi", tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả. Như tôi đã nói ở trên, Văn là một môn học hữu ích, giúp chúng ta có cái nhìn bao quát hơn về những vấn đề xung quanh cuộc sống. Thế nhưng thử nghĩ xem giữa việc đọc một quyển sách thường và các tác phẩm văn học, cái nào sẽ hay hơn?
Tôi không dám chắc câu trả lời của các bạn cho câu hỏi này, nhưng riêng tôi, tôi sẽ chọn việc đọc tác phẩm văn học. Vấn đề ở đây không phải đọc để phán xét quyển sách nào hay hơn, vì mỗi cuốn sách viết ra đều có những giá trị riêng của chúng, và không có một quyển sách nào là không hay cả, nó chỉ không hay khi ta đọc sai và tiếp thu sai cách mà người viết muốn truyền tải.
Làm sao để phân tích tác phẩm văn học đúng cách? Theo tôi, phân tích các tác phẩm là một công việc bắt buộc đối với học sinh từ cấp hai trở đi. Vì chỉ có phân tích và cảm nhận, ta mới thật sự hiểu được nội dung mà tác giả viết. Và có lẽ đó cũng chính là công đoạn mà các bạn trẻ ghét nhất mỗi khi được học một tác phẩm mới.
Nhưng các bạn đừng đặt nặng vấn đề này, bởi lẽ việc phân tích một tác phẩm cũng giống như việc giải một bài Toán khó. Chúng ta cần giành thời gian đọc đi đọc lại nhiều lần để hiểu và thẩm thấu được nó. Nếu giải Toán trước tiên chúng ta phải đặt cả tâm huyết và quyết tâm vào bài giải ấy, thì phân tích văn học cũng vậy. Để có cảm nhận sâu sắc hơn từ đó dễ dàng phân tích và triển khai nó, chúng ta phải thật sự đọc bằng cả trái tim của mình. Bởi lẽ, nếu chỉ đọc lướt qua, đọc một cách vô hồn, qua loa, thì việc không có ý tưởng phân tích hoàn toàn là điều hiển nhiên.
Sau khi làm được công đoạn khổ cực ấy, tôi dám chắc rằng bạn giờ đây đã có phần hứng thú hơn với bài phân tích của mình. Vì để đọc và thẩm thấu được hết ý nghĩa quả là một việc mà không phải ai cũng làm được, kể cả những bạn từng học chương trình chuyên Văn.
>> Tôi bị đánh giá 'dốt Văn' vì không viết theo khuôn mẫu
Và còn một câu hỏi nhiều người thắc mắc, đó là: Việc phân tích các tác phẩm văn học mà giáo viên vẫn thường bắt học sinh làm liệu có áp dụng được vào cuộc sống sau này không? Để trả lời câu hỏi này, trước hết các bạn phải phân tích một tác phẩm văn học đúng cách. Và câu trả lời của tôi là "có". Tuy những lợi ích của môn Văn sẽ không nhiều và đại trà nhưng các tác phẩm văn học chính là nền tảng để chúng ta biết nhìn nhận và phát triển bản thân.
Ngay từ bắt đầu chương trình THCS, các bạn đã được học những truyện cổ tích và ngay cả đến lớp 10 những tác phẩm cổ tích này lại một lần nữa được in trong sách giáo khoa. Đó cũng được xem là tác phẩm văn học nhưng thuộc dòng văn học dân gian. Qua những truyện Sơn Tinh Thủy Tinh; Tấm Cám; Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy... đều được tác giả đúc kết những bài học quý giá cụ thể, là nhân cách và đạo làm người.
Các bạn có đồng ý với tôi rằng đôi khi đọc một tác phẩm văn học, ta lại thấy hình ảnh của mình hiện lên trong đó không? Chính vì thế nhà văn Standal đã từng viết: "Tác phẩm văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội". Nhà văn Tố Hữu cũng từng cho rằng: "Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học".
Như vậy, cuối cùng, việc phân tích tác phẩm văn học hoàn toàn không vô nghĩa. Ngược lại, việc làm ấy còn rất cần thiết đối với học sinh chúng ta. Văn học sẽ biến ta từ một con người vô cảm trở thành thành một người tri thức, tốt đẹp hơn từng ngày, nếu ta chịu vui vẻ tiếp nhận và xem nó như một động lực để hoàn thiện và phát triển bản thân theo chiều hướng tích cực nhất.
Hy vọng rằng, các bạn trẻ đang có xu hướng chán ghét môn Văn lẫn cả việc phân tích văn học sẽ không vì thế mà coi thường môn học này. Nhưng tôi vẫn tin rằng một ngày nào đó các bạn sẽ dần nhận thức được giá trị và lợi ích của việc học Văn và phân tích các tác phẩm văn học ấy. Vì trước kia, chính tôi cũng từng giống các bạn - một người luôn tìm cách đối phó với môn Văn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.