Thời gian gần đây, tôi đọc được rất nhiều bài viết phê phán về văn mẫu. Có vẻ như bài văn mẫu đang trở thành điển hình của phương pháp giảng dạy thiếu tính sáng tạo, rập khuôn, đồng phục. Một phần nào đó, có vẻ như nó đúng, và trong thực tế, sự rập khuôn của một số giáo viên càng làm cho tình hình tệ hơn. Tuy nhiên, tôi đã có một trải nghiệm đầy thú vị với bài văn mẫu, muốn chia sẻ để các bạn thấy rằng đây cũng chỉ là một công cụ học tập. Việc sử dụng nó như thế nào cho hữu ích là cách của mỗi chúng ta.
Từ lớp 1 đến lớp 4, môn Văn hoàn toàn không phải là thế mạnh của tôi. Cũng như nhiều bạn khác, tôi không biết làm văn như thế nào vì ý tưởng nghèo nàn. Thậm chí, tôi còn mang sách vở lên cây xoài để thay đổi không gian suy nghĩ mà cả buổi chỉ ăn xoài no bụng chứ không được chữ nào. Một lần vào lớp 5, tôi phải viết bài văn tả về buổi chào cờ. Bí quá, tôi viết được 4-5 dòng đã hết ý, không biết phải làm sao?
Ba mẹ tôi là giáo viên dạy Toán nhưng lại rất yêu Văn học, nên nhà tôi thường có nhiều sách thơ, văn. Với tuổi thơ nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi đọc rất nhiều sách lịch sử, văn học, nào là Rừng xà nu, nào là Đất nước đứng lên, nào là Người mẹ cầm súng... Tôi lục lọi trong đám sách khá cũ kỹ đó và tìm được một quyển sách, tôi không nhớ chính xác tiêu đề nhưng đó là quyển tuyển tập những bài văn đoạt giải quốc gia.
Bài văn mẫu đầu tiên tôi đọc là phân tích về bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ. Trong suốt cả bài văn, tràn ngập trong tâm trí tôi là một câu chuyện cảm động về cuộc chia tay giữa những người ra đi với niềm tin mãnh liệt cho tương lai với người thân thương của họ. Nó cực kỳ sống động và làm trào dâng cảm xúc cực kỳ mạnh mẽ trong tôi.
Trong 30 năm qua, dù không còn nhớ chính xác, tôi vẫn giữ ấn tượng mãi với bài văn mẫu ấy. Tôi đã đọc ngấu nghiến hết toàn bộ các bài văn mẫu trong quyền sách và nhận thấy họ viết đầy cảm xúc nhưng vẫn có mở bài, thân bài, kết luận đầy đủ. Chưa dừng lại ở đó, tôi mượn được một cuốn sách văn mẫu đúng chủ đề tôi đang viết - buổi chào cờ.
Bài văn mẫu thật hay, tôi đọc và hình dung được chính là hình ảnh, câu chuyện của những tác phẩm mà tôi đã đọc về những đoàn quân trùng điệp hướng về một mục đích giải phóng dân tộc, làm tôi nhớ về những anh Núp, những chị Út Tịch, có lẽ rằng ngọn cờ chính là ngôi sao soi sáng đường cho họ và có thể cả một dân tộc... Sau đó, tôi bắt đầu cầm bút lên và viết về buổi chào cờ trong tưởng tượng của chính mình.
>> Học sinh 'đánh vật' với những bài Văn tả cảnh, phân tích
Ba mẹ tôi quá bận rộn với công việc và mưu sinh, nên ít khi quan tâm đến chuyện viết văn của tôi. Với tuổi lên 10-12, tôi đã học tập làm văn từ những bài văn mẫu như thế. Thật ra, tôi không phải là học sinh giỏi Văn, rất hiếm khi được điểm rất cao môn Văn. Nhưng mỗi khi cầm bút viết, trong tôi luôn đong đầy cảm xúc và bài viết chắc chắn mang bản sắc của riêng mình. Đương nhiên, tôi không bao giờ bị điểm tệ. Hơn thế nữa, nó làm thay đổi luôn hành vi khi chào cờ của tôi, bao năm qua, mỗi khi đứng chào cờ hoặc hát quốc ca, cảm xúc của tôi vẫn giữ nguyên trọn vẹn như những gì tôi đã viết về bài văn khi mới 10 tuổi.
Lớn lên đi làm, tôi ít khi bị làm khó bởi những công văn hoặc những nội dung trao đổi đặc biệt với khách hàng, đối tác... bởi những gì tôi học được đã ngấm vào thành bản chất trong tôi. Tôi cũng sống chân thành với cuộc đời đúng như những gì tôi cảm nhận. Vì thế, bài văn mẫu đối với tôi không hề tệ hại, chính nó đã khơi gợi cho tôi những ý tưởng mà trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ tới.
Tôi hiểu rằng, với một người giáo viên, để dạy những học sinh còn nhỏ tuổi của mình về làm văn là không dễ. Việc đưa ra hướng dẫn, hoặc tham khảo văn mẫu là một cách thức để các em có thể hình dung cụ thể hơn. Phần còn lại là cả cha mẹ và giáo viên khuyến khích các em đọc thêm nhiều sách, dẫn dắt các em thể hiện được ý kiến, quan điểm của mình qua ngôn ngữ viết. Nếu được như vậy, tôi tin rằng không một giáo viên nào cho điểm tệ đối với những bài văn mang đúng bản sắc của các con.
Một lần nữa, tôi muốn chia sẻ những điều này không phải để bao biện hay phản biện ý kiến của nhiều người, tôi chỉ muốn đưa ra một trải nghiệm, một góc nhìn của bản thân mình. Vì đôi khi, ngay chính bản thân phụ huynh cũng chưa làm tốt vai trò phát triển và mở rộng kiến thức của các con.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.