Đọc chép - học thuộc lòng - văn mẫu, tổ hợp phương pháp giảng dạy Văn học quen thuộc này đã xuất hiện từ nhiều thế hệ trước và vẫn tồn tại cho tới tận này ngay. Cứ thế, lớp lớp học sinh được thấm nhuần tư tưởng học Văn với thái độ ngoan ngoãn nghe lời và làm theo văn mẫu. Văn mẫu vốn không xấu, dạy bằng văn mẫu cũng không sai. Nhưng đánh giá, chấm điểm bằng cách yêu cầu học sinh thuộc các bài tham khảo lại là điều phản giáo dục, giết chết sự sáng tạo và tư duy độc lập. Điều đáng nói, sai lầm mang tính hệ thống này kéo dài từ năm này qua năm khác.
Nói về câu chuyện học Văn theo mẫu, độc giả BCN chia sẻ: "Tôi còn nhớ ngày con gái làm bài văn tả về người mẹ, con viết: 'Mẹ em dáng người thon thả, nụ cười tỏa nắng, tính tình hiền dịu, chịu thương chịu khó...'. Đọc xong, tôi chỉ cười trừ, nhẹ nhàng nhắc: 'Con nhớ mở ngoặc sau các câu tả mẹ rằng đó là trong giấc mơ của ba thôi'. Nói vui vậy, nhưng đã là văn tả thực thì nó phải là thực chứ đọc bài các con, tôi thấy mẹ nào cũng giống mẹ nào, làm mất hết tính sáng tạo, tư duy của các con. Nói chung, học sinh thời này chẳng khác gì gà công nghiệp".
Đồng cảm với nhận định trên, bạn đọc Jake chia sẻ về trải nghiệm học Văn của chính mình: "Buồn cười nhất là khi đề bài làm văn yêu cầu tả con chó, con mèo, tả cha, tả mẹ, nhưng cả lớp 40 đứa đều viết y hệt nhau. Tôi nhớ mãi ngày xưa học lớp 4, được cho một đề bài viết về ba điều ước. Khi đó, tất cả học sinh trong lớp tôi đều ước giống hệt nhau, hết ước cho bản thân lại đến ước cho người thân.
Riêng tôi lúc đấy mê phim ảnh kiếm hiệp, nên đã tưởng tượng ra bản thân gặp ba tình huống như trên phim và dùng điều ước để giải quyết vấn đề cho ba nạn nhân trong câu chuyện. Bài viết của tôi rất dài và tâm huyết, dù hơi hão huyền, nhưng với một đứa học sinh lớp 4 với suy nghĩ ngây thơ, thích tưởng tượng, tôi nghĩ đó là chuyện bình thường.
Nhưng kết quả, sau bài viết đó, tôi bị thầy giáo gọi lên, chất vấn trước cả lớp, và yêu cầu phải làm lại bài khác. Hồi đấy, tôi chỉ nghĩ mình bị lạc đề, nhưng nếu mình được quay lại, tôi sẽ nói với chính bản thân mình, rằng tôi đã không làm gì sai cả. Chỉ là người lớn chúng ta đã quá áp đặt trong việc dạy dỗ học sinh mà thôi".
>> Việc cần làm để xóa bỏ tư duy văn mẫu
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhiều lần tuyên chiến với văn mẫu. Mới đây, ông chỉ rõ: "Kẻ thù cần quét sạch là các loại xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định". Quan điểm này nhận được nhiều sự đồng tình trong dư luận.
Độc giả Duc.thang bức xúc với câu chuyện viết văn "lệch chuẩn" của mình: Tôi còn nhớ hồi còn học cấp hai, cô giáo ra đề bài 'hãy tả một người bạn thân của em'. Tôi không giỏi văn chương, lúc đó nghĩ gì viết đó, câu cú có thể không được mạch lạc nhưng viết theo cảm nhận của bản thân về người bạn thân nhất. Đó là một người bạn hay cùng tôi trốn học, phá làng, phá xóm. Đó hầu hết là những kỷ niệm nghịch ngợm và có phần hơi tiêu cực. Hầu hết, những bạn nam khác (thường không giỏi Văn) đều dựa theo văn mẫu để viết ra câu chuyện của mình nên nghe rất tích cực.
Kết quả, điểm Văn của tôi chỉ được 6 điểm, còn các bạn khác đều được điểm cao hơn. Sau này, trong số những bạn điểm cao đó, có những người sống không thành thật. Vậy nên, tôi nhận thấy việc viết văn hay, điểm cao, không đánh giá được một con người. Mà Văn học là dạy ta sống sao cho đúng, làm người lương thiện".
"Tôi nhớ hồi xưa, bài văn của tôi đọc có hay đến mấy cũng không được thầy giáo chấm hơn điểm 6, còn các bạn đi học thêm lại được trên 8 điểm là bình thường. Tôi có lên hỏi thầy vì sao lại thế và nhận được câu trả lời rằng 'ý tường trong bài văn của em không đi theo khuôn mẫu mà Sở Giáo dục đề ra'. Nhưng tôi là một học sinh nên cũng chẳng nói được gì. Nản quá, sau này tôi lấy nguyên bài viết của các bạn đi học thêm để viết vào bài của mình, vậy là đúng khuôn mẫu. Ấy thế mà tôi cũng không bị lọt vào diện copy bài của học sinh khác, vì phần lớn học sinh nào đi học thêm Văn đều viết na ná nhau 90% về nội dung và cách hành văn", bạn đọc V. Nguyen nói thêm.
Như một tác giả có nói "văn mẫu là sản phẩm của một nền giáo dục lỗi thời mà nếu không dứt bỏ được, khó nói tới những cải cách, đổi mới to lớn hơn", đã đến lúc chuyện dạy và học theo văn mẫu cần phải được nghiêm túc loại trừ ra khỏi môi trường giáo dục phổ thông.
Độc giả Thanh Y nhấn mạnh: "Bệnh thành tích không bị xóa bỏ, thậm chí đang nặng nề hơn, nên văn mẫu vẫn sẽ trường tồn với giáo dục. Vốn là học sinh giỏi Văn từ nhỏ, nên tôi thường viết sáng tạo và khác biệt. Tuy nhiên, từ khi chuyển trường hồi lớp 11, tôi luôn chỉ đạt 6, 7 điểm là hết mức, dù ở trường cũ tôi luôn được 8, 9 điểm. Tôi từ một học sinh trong top đầu môn Văn ở trường cũ trở thành một học sinh trung bình khá ở trường mới. Nguyên nhân là do tôi viết văn không đúng như mẫu.
Kể từ đó, mỗi khi kiểm tra, tôi cứ lấy văn mẫu mà làm, cũng bỏ luôn cách viết văn sáng tạo. Một trong những nguyên nhân của tình trạng viết văn theo mẫu, ngoài bệnh thành tích, còn là do cách chấm điểm theo barem. Vì cứ có ý là có điểm, nên đôi khi viết hay, viết dài chưa chắc đã được điểm cao. Vậy tội gì tôi phải viết dài, mất thời gian?".
Khẳng định sai lầm của việc học theo văn mẫu, bạn đọc Doctor X kết lại: "Cái gì cũng theo mẫu, đó là tư duy sẽ kéo chúng ta lùi lại rất xa. Môn Văn nên học để hiểu cách trình bày một bài văn, sử dụng từ, câu cú... còn đúng - sai không nên được đưa làm tiêu chí hàng đầu. Với những đứa con nít thấy sao viết vậy, nên hãy cứ để chúng hồn nhiên, trong sáng. Tất nhiên, không phải là viết sao cũng được, hay kêu tả người mà lại tả mèo, mà là viết theo cách tiếp cận của cá nhân người viết.
Bài văn đã có dàn ý, ý chính để viết theo, nhưng tại sao bắt buộc cứ phải có cấu trúc câu: 'Nhà em có nuôi...'. Việc đúng ngữ cảnh còn phụ thuộc vào trình độ người viết. Nếu trẻ chưa được trải nghiệm, không có hiểu biết thì sao viết theo ý người lớn được? Bài văn này tả đúng thì vẫn phải cho 7 điểm, nếu đúng dàn bài, ý chính, chứ không phải bắt buộc phải theo khuôn mẫu đề ra mới được điểm".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.