Gần đây, tôi có đọc được hai bài làm văn của học sinh tiểu học được người dùng mạng xã hội đăng tải. Nội dung của hai bài viết là "tả cây ATM" và "miêu tả công việc của mẹ làm nghề ghi số đề". Nghe qua thì nhiều người hẳn phải phì cười với những bài văn "không giống ai" này.
Nhưng cá nhân tôi lại đánh giá rằng đó là những bài văn hay vì nó góc nhìn thật, lột tả cuộc sống thật của hiện tại mà các em đang chứng kiến. Với những quan điểm chê bai, tôi cho rằng chính là do sự phiến diện trong cách suy nghĩ của giáo viên, cũng như người lớn áp đặt lên trẻ. Chúng ta vẫn thường không chấp nhận cách viết khác, nghĩ khác, làm khác so với khuôn mẫu, chuẩn mực mà chính mình đặt ra. Muốn xóa bỏ điều đó, bản thân giáo viên cần từ bỏ cách tư duy theo lối mòn và học cách tư duy mở, chấp nhận những cái mới, cái lạ.
Có một số vấn đề cần thay đổi trong quan điểm về giáo dục ở ta, như sau:
Chính tả và ngữ pháp là tiêu chí đánh giá dành cho học sinh tiểu học. Đối với nhóm này thì chính tả, ngữ pháp nên được xem là trọng tâm trong cách chấm điểm. Tuy nhiên, với các cấp học lớn hơn, không nên xem đây là tiêu chí duy nhất để đánh giá kết quả của học sinh.
Ý tưởng có thể là phần phụ với nhóm học sinh tiểu học, nhưng sẽ là phần chính với nhóm từ THCS, THPT. Tôi cho rằng khi viết văn, học sinh cần có một dàn ý (ý chính của bài văn sẽ viết), phần này nên chiếm khoảng 50% điểm số; quá trình phát triển các ý trong bài văn sẽ chiếm 30% tổng điểm và 20% còn lại dành cho cách hành văn và văn phong mỗi học sinh.
>> Tôi học được gì từ văn mẫu?
Do Văn học là môn đề cao sự sáng tạo trong cách viết, nên mỗi người có sở thích riêng về văn phong sẽ có cách viết khác nhau, và tất cả đều cần phải được tôn trọng. Bản thân giáo viên khi chấm điểm cũng sẽ có tư duy theo phom mẫu của riêng mình nên không thể áp đặt quan điểm của bản thân lên suy nghĩ của trẻ một cách máy móc, mà triệt tiêu hết những sáng tạo, đột phá.
Về phần cơ quan quản lý Giáo dục, tôi cho rằng cũng cần có nhiều đổi mới trong tư duy, định hướng. Ví dụ, trong các đề thi tốt nghiệp THCS, THPT vừa qua, tôi đánh giá cách ra đề thi môn Văn khá mở và tạo đất cho học sinh sáng tạo. Như Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn từng nói: "Kẻ thù cần quét sạch là các loại xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định", tức là cơ quan quản lý cũng muốn loại bỏ văn mẫu. Nhưng rào cản lớn nhất lại là tâm lý phải dập khuôn theo phom mẫu của giáo viên, khiến quyết tâm cải cách này khó thực hiện.
Tiêu chí thế nào là văn hay với mỗi giáo viên lại một khác, nên rất khó để ấn định một chuẩn chung trong thang chấm điểm. Có thể nói, việc chấm điểm Văn phụ thuộc rất nhiều vào mỗi giáo viên, chứ không chỉ được quyết định bởi cơ quan quản lý. Mỗi giáo viên sẽ có một barem riêng của mình và cứ thế dập khuân theo những chuẩn mực mà họ vạch ra từ trước đến nay. Việc thay đổi tư duy đó của giáo viên là không hề đơn giản, nhưng không thể không làm. Sẽ chẳng có lý do gì để mãi bảo thủ với văn mẫu cũng như khuôn mẫu trong cách đánh giá, chấm điểm của giáo viên.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.