Thoát vị bẹn xảy ra khi một phần tạng trong bụng đẩy qua lỗ mở trên thành bụng. Biểu hiện bằng một khối phồng vùng bẹn có khuynh hướng di chuyển về phía bìu ở bé trai, vùng gần âm môi ở bé gái. Gia đình cho biết bé Nghĩa được chẩn đoán thoát vị bẹn lúc chào đời, hoãn mổ hai lần do viêm đường hô hấp trên. Lần này bé không ăn uống được, khối phồng hiện rõ ở bẹn phải, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Ngày 5/12, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, cho biết bé Nghĩa không được điều trị kịp thời, thoát vị bẹn biến chứng nghẹt tạng. Ruột sa xuống không thể tự đẩy lại ổ bụng, bị hoại tử một phần, nguy cơ cao viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng đe dọa tính mạng của bé.
Êkíp phẫu thuật đưa ruột trở lại vị trí ban đầu, khâu lỗ thoát vị cho bệnh nhi, giảm tối đa nguy cơ hoại tử nội tạng, nhiễm trùng, mất nước điện giải sau mổ. Hiện bé hồi phục tốt, bú khỏe, được xuất viện sau 4 ngày theo dõi.
Thoát vị bẹn là một trong những dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ em, chiếm khoảng 0,8-4,4% các bệnh lý. Trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, khoảng 30% tùy theo tuổi thai.
Theo bác sĩ Trọng, phẫu thuật là cách duy nhất điều trị thoát vị bẹn. Bệnh có thể điều trị bằng phẫu thuật mở, phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu. Nếu mổ mở, bác sĩ mở một đường ở nếp bụng thấp của trẻ, đưa tạng thoát vị vào ổ bụng, cột cắt túi thoát vị, đóng lỗ mở bằng chỉ khâu hoặc keo phẫu thuật.
Với phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu, bác sĩ mở một vết cắt nhỏ trên bụng trẻ để đưa dụng cụ nội soi vào sửa chữa khối thoát vị. Tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ chỉ định phương pháp mổ phù hợp. Phương pháp nội soi thường dùng cho trẻ lớn béo phì hoặc bị cùng lúc hai bên.
Khối phồng do thoát vị bẹn thường to hơn khi bé khóc, ho, rặn đi tiêu. Khi trẻ nghỉ ngơi hoặc nằm, khối thoát vị có thể tự chui lại vào ổ bụng. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, ruột nghẹt trong khối thoát vị có thể làm giảm lưu lượng máu cung cấp cho ruột, gây hoại tử, thủng ruột, viêm phúc mạc. Tình trạng này làm tổn thương tinh hoàn ở bé trai, nguy cơ xoắn, hoại tử buồng trứng ở bé gái, dẫn đến vô sinh.
Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu như đau dữ dội, đỏ hoặc bầm tím xung quanh vị trí phồng, sốt, cáu kỉnh, khó bú, buồn nôn, nôn, phân có máu.
Ngọc Châu
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |