Trả lời:
Dầu gió chứa các loại tinh dầu như bạc hà (menthol), khuynh diệp, quế, tràm, long não, hương nhu, thông... Trong đó, tinh dầu bạc hà (methol) và methyl salicylat phổ biến hơn, có tác dụng làm nóng vùng da tiếp xúc, giãn nở các mạch máu.
Dầu gió thường được bôi hay thoa lên da lành để giảm đau khi chấn thương nhẹ, giảm ngứa do côn trùng chích, sát trùng đường hô hấp. Nó còn có tác dụng thông mũi, chống viêm nhiễm, giảm đau nên nhiều người nghẹt mũi, khó chịu, đau nhức hay dùng dầu gió giúp dễ chịu hơn. Tuy nhiên, hít nhiều dầu gió thường xuyên có thể làm khô niêm mạc mũi, kích thích tiết dịch nhầy.
Một số thành phần như camphor và menthol có thể gây kích ứng đường hô hấp, nhất là người có cơ địa nhạy cảm hoặc mắc bệnh hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, hen suyễn. Triệu chứng đầu tiên là cảm giác khô, rát mũi họng, kích ứng mũi và họng, gây ho, khó thở... Tinh dầu cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng khi sử dụng trên da hoặc hít vào.

Bác sĩ Phúc Anh tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Cảm giác thông thoáng mà dầu gió mang lại chỉ là tạm thời. Lạm dụng dầu gió có thể gây "nghiện" và giảm khả năng nhận biết mùi, cơ thể trở nên phụ thuộc, khi không hít dầu gió, mũi cảm thấy khó chịu.
Bạn có thể sử dụng dầu gió khi nghẹt mũi, cảm lạnh, nhưng không nên lạm dụng, nhất là khi có các triệu chứng kích ứng. Trẻ em dưới 24 tháng và bà bầu không nên dùng dầu gió. Nếu muốn thông thoáng mũi, có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi thay vì dùng dầu gió. Nếu nghẹt mũi kéo dài, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng khám để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
ThS.BS.CKI Diệp Phúc Anh
Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |