Nguyên nhân
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý viêm niêm mạc do tiếp xúc với dị nguyên đường hô hấp như bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông vũ, bụi công nghiệp... Khi tiếp xúc với các tác nhân này, cơ thể giải phóng histamin. Đây là chất hóa học tự nhiên giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân bên ngoài xâm nhập nhưng lại phản ứng quá mức gây viêm.
Viêm mũi xoang là tình trạng niêm mạc xoang cạnh mũi bị viêm, gây tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy bên trong. Dịch nhầy tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, từ đó tiến triển thành nhiễm trùng. Các tác nhân có thể dẫn đến viêm xoang là virus, vi khuẩn, polyp mũi, ô nhiễm không khí, nấm, hút thuốc lá...
Triệu chứng
Thạc sĩ, bác sĩ Dương Đình Lương, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ba triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng là hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi. Các triệu chứng khác cũng có thể gặp ở người mắc bệnh này như ho, khò khè, tắc ngạt mũi, chảy nước mắt, ngứa mắt, mệt mỏi.
Viêm mũi xoang thường xảy ra sau các đợt cảm lạnh hoặc viêm đường hô hấp trên, có thể kéo dài hơn 10 ngày. Triệu chứng đặc trưng là ngạt mũi, chảy dịch mũi (màu vàng, xanh hoặc trắng đục...), đau nhức vùng mặt (đau đầu, đau vùng trán, gò má, hàm trên), rối loạn khứu giác (giảm hoặc mất ngửi), ho. Ngoài những dấu hiệu trên, người bệnh viêm xoang có thể sốt, đau tai, đau răng, sưng vùng mặt, hôi miệng, mệt mỏi.

Bác sĩ Lương chia sẻ về các bệnh lý tai mũi họng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Điều trị và phòng ngừa
Viêm xoang và viêm mũi dị ứng do nguyên nhân khác nhau nên diễn tiến và cách điều trị cũng không giống nhau.
Viêm mũi dị ứng
Người bệnh có thể dùng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ như thuốc kháng histamin, thuốc xịt mũi giúp giảm ngứa mũi, ngạt mũi, chảy dịch mũi. Bác sĩ kê đơn thuốc tùy vào triệu chứng hiện có của người bệnh.
Người bệnh cần chủ động kiểm soát bệnh bằng cách tránh xa tác nhân gây dị ứng. Ví dụ, nếu bị dị ứng theo mùa hoặc phấn hoa, người bệnh không nên đến những nơi có nhiều cây cối. Dùng máy hút ẩm hoặc bộ lọc không khí dạng hạt có thể giúp kiểm soát dị ứng khi ở trong nhà. Người bị dị ứng với bụi, mạt nhà nên giặt tấm trải giường và chăn mền thường xuyên. Người bệnh đeo khẩu trang làm việc khi dị ứng với các tác nhân ở nơi làm việc.
Viêm mũi xoang
Bác sĩ có thể điều trị triệu chứng và nguyên nhân cho người bệnh. Nếu người bệnh viêm mũi xoang do vi khuẩn, bác sĩ kê thuốc kháng sinh.
Phẫu thuật có thể được bác sĩ chỉ định khi điều trị nội khoa không hiệu quả, tái phát nhiều lần. Phẫu thuật cho bệnh nhân có polyp mũi, dị hình mũi xoang nhằm mở rộng các lỗ thông của xoang, loại bỏ polyp mũi và các dị hình mũi xoang, từ đó lưu thông dịch, vệ sinh mũi tốt hơn.
Minh Đức
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |