Chưa bao giờ tôi thấy Covid-19 thường trực và ở gần mình đến thế, và bản thân có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào bởi tâm lý chủ quan cho rằng mắc bệnh là chuyện hên xui.
Tâm lý chủ quan ‘sống chung với lũ’
Khi tôi chia sẻ link một bài báo trên trang Facebook cá nhân về các biến chứng hậu Covid-19 kéo dài, một cô bạn cùng trường hồi Đại học vào bình luận: "Hôm qua, em phải cho hai đứa trẻ về ông bà nội lánh nạn rồi. Cơ quan bố mẹ đều đầy rẫy F0. Về nhà sợ nhất là lây cho trẻ con anh ạ!".
Và tiếp theo bên dưới là rất nhiều bình luận của bạn bè tôi, như:
- Ở cơ quan, em nhắc sếp thường xuyên đeo khẩu trang, nhưng sếp bảo đeo khó chịu, nên không làm.
- Mình đang làm việc ở cơ quan. Ở nhà điện báo chồng dương tính. Mình báo lại với quản lý nhưng người ta bảo: 'Thôi, cứ làm việc tiếp đi, kéo khẩu trang cao lên, đằng nào từ nãy đến giờ cũng vẫn tiếp xúc với mọi người rồi.
- Bản thân mình có giữ gìn, bảo vệ đến mấy cũng khó tránh được Covid-19. Vì mình có ý thức, nhưng những người xung quanh thì không. Nên có trở thành F0 hay không cũng là hên xui, là cái số của mỗi người rồì.
- F0 giờ là trend đấy bạn ạ. Ở cơ quan mình, mọi người xác định 'sống chung với lũ, kiểu gì cũng sẽ dính, nên bị sớm khỏi sớm, đỡ lo nhiều. Tiêm đủ ba mũi rồi, không tử vong đâu".
Đọc những bình luận của bạn bè, tôi thực sự thấy lo ngại cho tâm lý chủ quan của một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay trước dịch bệnh.
Covid không nhẹ như lời đồn
Sáng nay thức dậy, lướt Facebook, tôi giật mình khi hàng loạt bạn bè mình đều chia sẻ đã trở thành F0. Một người em cùng quê, làm công tác hành chính ở Hà Nội chia sẻ trong nỗi lo lắng: "Tiêm đủ ba mũi vaccine, bị Covid có đáng sợ không?". Phía dưới bài đăng, tôi lại thấy có nhiều người bình luận: "Rồi ai chẳng bị, bị luôn đi cho rồi, tiêm ba mũi rồi chắc cũng không sao đâu, vài hôm là khỏi". Đó hẳn là suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ những người chưa bị nhiễm Covid. Còn thực tế, khi bị rồi, chắc chắn trải nghiệm với nó không hề dễ dàng như người ta vẫn đồn đại.
Tôi phát hiện mình bị dương tính sau ba ngày tiếp xúc với F0. Những ngày đầu tiên, cơ thể tôi mệt mỏi, ngạt mũi, mất vị giác, khứu giác, gai người, ớn lạnh, nhiều đờm và hắt xì rất nhiều. Đến ngày thứ năm, tưởng như đã qua được giai đoạn khó khăn nhất, thì cơ thể tôi bắt đầu chống đối. Có những lúc, tôi chỉ muốn thiếp đi vì quá mệt.
Anh đồng nghiệp bị cùng thời điểm với tôi, cũng đã tiêm mũi ba vaccine, nhưng vẫn sốt 40 độ, ho ra máu, tiêu chảy, phát ban, tức ngực, khó thở... Biểu hiện nặng hay nhẹ là do cơ địa của mỗi người, nhưng thử hình dung trẻ em, người lớn tuổi và những người có bệnh nền khi bị nhiễm sẽ như thế nào? Chưa kể những di chứng đến tim mạch, hệ thần kinh hậu Covid.
Trên trang cá nhân của một nữ giảng viên đại học, tôi thấy có cập nhật về việc con trai chị chỉ ở nhà học online, dọn dẹp nhà cửa, nghe lời mẹ không ra ngoài, nhưng chỉ một chút bất cẩn lại thành F0. "Nhìn hai vạch, em ôm chầm mẹ khóc oà mà hai mẹ con cùng khóc. Tiếp theo, Covid lây sang chị em, lây sang mẹ em (đương nhiên là mẹ chăm em sẽ chấp nhận điều đó). Thằng bé sốt ly bì, co giật, chị khóc vì đau đầu, còn mẹ họ sù sụ... Ba mẹ con đã phải vật lộn và chiến đấu kiên cường".
Cuối bài đăng, chị chú thích và nhắn gửi: "Ghi lại vài dòng để Facebook giữ lại những ngày khốn khó của ba mẹ con. Mọi người lưu ý giữ an toàn cho bản thân cẩn thận nhé. Nói là nhẹ, nhưng không may bị nhiễm thì chẳng hề nhẹ chút nào đâu".
>> Tôi khó thở dù cả nhà đã âm tính Covid-19
Khi không còn biết sợ...
Phần lớn những người tôi đang tiếp xúc, gặp gỡ xã hội hàng ngày, đều tự tin rằng mình đã tiêm đủ ba mũi vaccine nên coi "Covid giờ cũng như bị cảm cúm, có mắc cũng nhẹ hơn, không tử vong, cứ an tâm đi". Có lẽ đó cũng là nguyên nhân để mỗi ngày, tin tức về bạn bè, rồi những người tôi quen trở thành F0 ngày một nhiều hơn. Và cả ở quê, nơi bố mẹ tôi đang sống (cách Hà Nội 30 km), mỗi ngày trong xã cũng có tới hơn chục ca F0 – điều mà trước Tết chưa từng xảy ra.
Tôi lại nhớ tới câu chuyện phân tích về những đứa trẻ nói dối mà thầy tôi từng chia sẻ: "Trẻ con tan học, vì mải chơi game, về muộn, có nói dối, thì bố mẹ cũng hãy an tâm là con còn biết lo lắng, biết sợ bố mẹ nên mới làm vậy. Chỉ sợ nhất là nó nói thẳng luôn vì đã không còn biết sợ bố sợ mẹ nữa".
Khi tôi đang ngồi viết những dòng này, cô em gái vừa gọi điện nhắn nhủ: "Anh nhớ giữ mình cẩn thận nhé. Biết anh từ trước đến nay ra khỏi nhà là đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng dịch, nhưng nhiều khi 'tai nạn' khách quan vẫn đến. Như ở cơ quan em, bạn phụ trách cơ sở vật chất là người thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc tất cả các bộ phận trong cơ quan, nhưng không đeo khẩu trang. Và em nghiễm nhiên giờ em cũng trở thành F1 rồi. Chưa biết tình hình thế nào, nhưng em vẫn phải chủ động đun nước xông mũi và súc họng thường xuyên để hỗ trợ tăng sức đề kháng anh ạ".
Có lẽ tâm lý với Covid-19 cũng vậy. Chỉ khi thực sự biết sợ, là người biết lo lắng cho bản thân, gia đình, và quan tâm tới cộng đồng, thì chúng ta mới luôn chủ động để tìm cách phòng tránh, bảo vệ tối đa. Còn khi đã không biết sợ thì sự bàng quan, vô tâm, vô trách nhiệm cũng dần lớn hơn. Họ tự tin vào lá chắn ba mũi vaccine đã tiêm, sẽ giúp tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong giảm hơn so với trước kia, mà quên rằng ở góc độ toán học, tỷ lên % của một con số rất lớn sẽ vẫn là một con số lớn. Huống hồ là còn những biến chứng hậu Covid-19 mà gần đây báo đài liên tục đưa tin cảnh báo.
>> Nỗi lo đi làm gặp đồng nghiệp dương tính Covid-19
Ảnh hưởng sức khỏe hậu Covid-19
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 200 triệu chứng được báo cáo ở bệnh nhân hậu Covid. Các triệu chứng khác bệnh nhân có thể gặp phải, bao gồm: đau ngực, khó giao tiếp, cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm, đau cơ, sốt, mất khứu giác, mất vị giác..., trong đó khoảng 10-15% trường hợp tiến triển thành bệnh nặng, và khoảng 5% bệnh trở nên nghiêm trọng. Tình trạng triệu chứng hậu Covid kéo dài có thể gặp ở một số người, thường là sau khi hết bệnh ba tháng, và kéo dài ít nhất hai tháng.
Một người bạn của tôi đang làm việc tại Bệnh viện ở TP HCM cho biết, ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều F0 đã khỏi bệnh đến thăm khám, trong đó hơn nửa số bệnh nhân vẫn đang gặp các vấn đề về hô hấp. Còn tại khoa Điều trị tích cực Nội khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương), các bác sĩ đang điều trị cho hơn 10 bệnh nhi mắc di chứng Covid-19, trong đó nhiều trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống. Đây là hội chứng nặng nhất trong các di chứng hậu Covid-19, tỷ lệ mắc là 2/100.000 trẻ. Nguyên nhân là trong quá trình mắc Covid-19, cơ thể trẻ phản ứng quá mức, tạo ra các chất gây tổn thương cơ quan hệ thống. Trẻ có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Rõ ràng, không thể đùa được với dịch bệnh. Nhất là khi kẻ thù ấy nguy hiểm và biến hóa khôn lường như Covid-19, và chúng ta vẫn chưa tìm hiểu, nghiên cứu hết việc chúng sẽ ảnh hưởng đến con người như thế nào theo thời gian? Cách tốt nhất để tránh mặt, đẩy khoảng cách của kẻ thù này ra xa với mỗi chúng ta, với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và dần biết mất khỏi cộng đồng, vẫn là việc nhận thức rõ ràng hơn về mức độ nguy hiểm, cũng như trách nhiệm của mỗi người, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng dịch an toàn, hiệu quả.
>> Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Cần tránh tâm lý 'ai cũng sẽ là F0'
Vẫn biết trong cuộc sống, không ai có thể áp đặt được suy nghĩ, nhận thức của mình lên người khác, nhưng cũng xin đừng vì chỉ khư khư với quan điểm, thói quen, với tư duy chủ quan của bản thân mà làm ảnh hưởng, biến người khác trở thành "nạn nhân" bởi sự vô trách nhiệm của mình.
Lương Đình Khoa
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.