Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 ở TP HCM ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều chuỗi lây không rõ nguồn gốc và số ca nhiễm ngày càng tăng. Điều này dẫn đến việc giãn cách xã hội kéo dài, ảnh hưởng đến dân sinh và các hoạt động kinh tế. Hy vọng hiện nay là việc nhập khẩu vaccine và tổ chức tiêm chủng trên diện rộng, tuy nhiên hiện trạng khan hiếm vaccine đang tồn tại khi đại dịch Covid-19 hoành hành tại nhiều nước trên thế giới. Kế hoạch tiêm chủng toàn dân còn cần nhiều thời gian để triển khai.
Trong lúc đó, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất bị gián đoạn do giãn cách xã hội, dẫn đến ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động cũng như sự tồn tại của doanh nghiệp. Dó đó, thay vì lệ thuộc vào việc nhập khẩu vaccine, đồng thời bị động xử lý các trường hợp nghi nhiễm, tôi cho rằng tại sao chúng ta không chuyển qua thế chủ động trong việc tổ chức xét nghiệm diện rộng và phòng chống dịch?
Chúng ta cần thẳng thắn nhận định rằng tình hình hiện tại còn tồn tại nhiều mầm bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, chưa thể truy vết toàn bộ. Việc kéo dài giãn cách xã hội chỉ là giải pháp tạm thời đến khi tiến hành tiêm chủng mở rộng. Trong y học, "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Thế nên, chủ động tầm soát mầm bệnh sẽ giúp hạn chế việc lây lan, tiện khoanh vùng các ổ dịch.
1. Chính quyền vẫn khuyến khích người dân thực hiện nghiêm chỉ thị 5K như hiện nay.
2. Chủ động thực hiện việc xét nghiệm người dân trên diện rộng: Thay vì phụ thuộc vào việc phát hiện F0 và truy vết như hiện nay, chúng ta cần chủ động tổ chức xét nghiệm toàn bộ người dân, tiến hành "lọc máu" để tìm kiếm mầm bệnh từ ban đầu.
>> Giám sát F1 cách ly tại nhà bằng camera
3. Tiến hành thương mại hóa, xã hội hóa bộ xét nghiệm Covid-19 tại nhà: Hiện đã có các sản phẩm bộ test kiểm tra Covid-19 tại nhà, Chính phủ có thể làm cầu nối nhập các thiết bị kiểm tra trên về Việt Nam, sau đó bán cho người dân. Khuyến khích các đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân chủ động tự kiểm tra Covid-19. Nếu phát hiện các trường hợp dương tính thì cần chủ động báo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Đồng thời, xử phạt nặng các hành vi che giấu, trốn cách ly khi dương tính.
Hiện người dân cũng khá quan ngại về vấn đề sức khỏe bản thân, nên việc tự chủ động xét nghiệm tại nhà giúp giảm tải cho lực lượng y tế địa phương, đồng thời giúp phát hiện sớm các ca nhiễm trước khi hình thành chuỗi lây nhiễm. Việc tự xét nghiệm Covid-19 có thể tiến hành với một thành viên trong gia đình, vì khả năng lây nhiễm khá cao nên việc cùng chung sống ở một mái nhà tăng khả năng rủi ro lây nhiễm cho người nhà. Xác suất thống kê lần ra một ca dương tính thì có thể khoanh vùng cách ly khu vực người ấy sống.
4. Hình thành các tổ công tác phòng chống dịch cấp khu phố: Với thế mạnh quản lý hành chính hộ khẩu khá hiệu quả, các cấp UBND phường và khu vực có thể lập danh sách hộ dân cư tại địa phương, đồng thời giao về cho các tổ trưởng khu phố tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chủ động.
5. Xây dựng hệ thống thông tin điện tử, tuyên truyền thông suốt đến người dân: Có thể tận dụng các phần mềm điện tử nhắn tin thông dụng hiện tại, ví dụ như Zalo. Tổ trưởng khu phố hình thành các nhóm thảo luận với đại diện của mỗi hộ dân cư, xây dựng kênh thông tin cập nhật tình hình dịch thuận tiện đến người dân, đồng thời có thể nhận các phản hồi trực tiếp của dân.
Hiện nay việc thông báo các địa điểm nghi nhiễm còn được thực hiện khá thủ công thông qua công văn của UBND phường, việc thông tin đến tay người dân còn hạn chế. Tận dụng công nghệ thông tin vừa tiện lợi vừa tiết kiệm chi phí và hiệu quả. Việc thông báo địa điểm nghi nhiễm như hiện tại không phát huy hiệu quả như mong muốn bởi vì:
- Người dân không thể nhớ hết lộ trình của mình.
- Người dân có nhớ từng lui đến địa điểm nghi nhiễm nhưng ngại chưa chủ động liên hệ chính quyền. Họ âm thầm đợi xem có dấu hiệu sốt rồi mới lui đến bệnh viện thăm khám, dẫn đến gây ra chuỗi lây nhiễm.
Việc kết hợp cho phép tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà và thông báo riêng tư đến đơn vị phụ trách qua điện thoại, app giúp người dân chủ động hơn trong việc tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
>> Giải bài toán kinh tế cho người Sài Gòn khi kéo dài giãn cách
6. Hạn chế tối đa người dân ra vào thành phố: Chính quyền tổ chức các tổ kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vô thành phố, khuyến khích người trong thành phố và bên ngoài hạn chế di chuyển, vô tình mang mầm bệnh đi đến các địa phương khác. Hàng hóa vẫn được lưu thông bình thường. Người có nhu cầu cấp thiết bay hoặc đi tàu xe cần tự kiểm tra Covid-19 và có kết quả âm tính trong vòng ba ngày trước khi di chuyển, tránh việc mang mầm bệnh lên các phương tiện giao thông dẫn đến lây nhiễm cộng đồng.
7. Phát huy tính hiệu quả của phần mềm Bluezone: Hiện nay, Chính phủ khuyến khích người dân cài đặt phần mềm Bluezone để tiện khai báo y tế, nhận các cập nhật thông tin tình hình dịch, đồng thời máy tự động quét rà soát các địa điểm nghi nhiễm xung quanh. Nhà phát triển có thể bổ sung chức năng người dân cập nhật kết quả tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà của mình, xem như là passport kiểm tra Covid-19, để có thể thuận tiện di chuyển.
Ngoài ra, phần mềm nên bổ sung tính năng ghi nhận các địa điểm lui đến của người sử dụng. Khi xuất hiện các địa điểm nghi nhiễm, hệ thống tự động rà soát và thông báo đến người dùng để tự tổ chức khai báo y tế với chính quyền. Việc này sẽ rất thuận tiện cho việc truy vết nguồn lây.
Muốn kiểm soát tình hình dịch bệnh sớm và tránh lệ thuộc vào việc nhập khẩu vaccine, chúng ta cần vận động sức mạnh của toàn dân cùng hợp sức với Chính phủ trong công tác phòng chống dịch, chủ động tầm soát trên diện rộng, và kết hợp công nghệ thông tin để giảm tải cho lực lượng y tế và tăng hiệu quả tuyên truyền đến người dân.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.