Hồi thời kỳ đầu của đại dịch, tôi từng rất ấn tượng khi cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố "dịch Covid-9 rồi sẽ tan biến nhanh như một cơn gió". Nhưng ngay sau đó, nước Mỹ bắt đầu chìm vào cơn khủng hoảng, một số bang của nước này từng phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Cũng thời gian đó, chính phủ Anh và các nước châu Âu loay hoay giữa bài toán mở cửa hay không mở cửa, giãn cách hay không giãn cách khi Covid-19 ngày một lan rộng? Vì mục tiêu kinh tế, nhiều người dân đã phản đối giãn cách xã hội, khiến chính quyền nhiều nước bối rối. Các thiệt hại về kinh tế và con người ở các nước trên rõ ràng là rất lớn, nhưng sau đó họ nhanh chóng vực dậy, và đạt được một số thành công nhất định, nhờ vào vaccine.
Quay trở lại Việt Nam, sau một thời gian chính phủ vất vả chống đỡ biến chủng mới, tôi thấy một số ý kiến được đưa ra về việc không đồng tình với phương pháp giãn cách xã hội, chống dịch gắt gao như hiện tại. Họ lấy lý do là thiệt hại kinh tế quá lớn, hay còn có những loại bệnh khác có mức độ nguy hiểm cao hơn... Nghe những quan điểm ấy, tôi lại cảm thấy như chúng ta đang đi trên đúng con đường mà nước Anh đã trải qua trước đây: người dân cũng phản đối phương pháp chống dịch khiến chính quyền loay hoay, rồi kết quả là nước Anh, với một nền y tế ắt hẳn tốt hơn chúng ta gấp nhiều lần, đã thất thủ thế nào trước Covid-19, hẳn mọi người còn nhớ.
>> Gia đình tôi phải nhịn ăn sáng vì Covid-19
Tất nhiên, chắc chắn sẽ có người sẽ nói rằng "nước Anh rồi cũng đã vượt qua được đại dịch đó thôi, và họ đã thành công khi chọn phương án sống chung với đại dịch". Nhưng tôi nhấn mạnh rằng, họ và chúng ta khác nhau ở một vấn đề rất quan trọng: họ làm chủ công nghệ và có đầy đủ vaccine; nước Mỹ thậm chí còn đang thừa mứa vaccine, người dân tha hồ lựa chọn giữa các loại. Còn chúng ta sẽ được gì khi chọn phương án nới lỏng giãn cách tương tự?
Hãy nhìn sang Brazil, Ấn Độ, Indonesia hay các nước Đông Nam Á hiện tại để có đánh giá chính xác nhất. Có một trường hợp ngoại lệ, đó là Singapore, nhưng cũng như Anh, Singapore từng bước lên lộ trình sống chung với đại dịch sau khi đạt được 2/3 dân số tiêm vaccine. Vậy nên theo tôi mặc dù phương pháp chống dịch hiện tại ở nước ta còn nhiều điểm bất cập, ảnh hưởng đến kinh tế và cuộc sống của người dân, nhưng chừng nào chúng ta chưa tiếp cận đầy đủ với vaccine, thì vẫn cần phải quyết liệt truy vết, cách ly triệt để mới mong đẩy lùi được dịch bệnh.
Sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ phải học cách sống chung với Covid-19, coi đây như một loại bệnh cúm thông thường, nhưng tôi tin chưa phải bây giờ. Đây có lẽ là một sự kiện đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, thế nên bất cứ phương pháp đối phó nào với dịch bệnh cũng có mặt hay và mặt dở, chắc chắn không thể thỏa mãn 100% người dân. Và vì chưa có tiền lệ, nên một bước đi sai lầm cũng có thể khiến chúng ta phải trả giá rất đắt. Tôi vẫn ủng hộ vào phương pháp chống dịch của nước ta và tin tưởng cách làm này sẽ giúp người Việt chiến thắng đại dịch.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.