Trả lời VnExpress ngày 28/2, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà thông tin về khả năng ứng phó trước diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn hiện nay.
- Số ca nhiễm ở Hà Nội tăng mạnh trong một tháng qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bà đánh giá ra sao về xu hướng này?
- Hiện, mỗi ngày trung bình thành phố ghi nhận khoảng 10.000 ca nhiễm mới và có thể tiếp tục tăng cao. Đây là hệ quả tất yếu khi thành phố mở cửa tất cả hoạt động kinh tế - xã hội cũng như khi học sinh trở lại trường sau Tết. Quá trình giao lưu, kết nối giữa Hà Nội với địa phương khác cũng khiến số ca mắc mới tăng cao.
Qua giải trình tự gene người nhiễm Covid-19, ngành y tế đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Chủng này lây lan rất nhanh so với biến chủng Delta. Không loại trừ khả năng có những người trước đó đã mắc chủng Delta rồi, nay lại mắc thêm biến chủng Omicron.
Theo tôi, giai đoạn này đánh giá mức độ nguy cơ cần thông qua tỷ lệ bệnh nhân vào viện, chuyển nặng, tử vong; khả năng đáp ứng của hệ thống y tế ở các tuyến chứ không phải số ca nhiễm mỗi ngày.
- Hà Nội sẽ tập trung những biện pháp gì để tránh tình trạng gia tăng ca bệnh nguy kịch, tử vong?
- Vấn đề quan trọng là khả năng điều phối và đáp ứng y tế ở các tuyến. Nếu không đánh giá chính xác được khả năng đáp ứng y tế mỗi tuyến, dễ gây quá tải hệ thống, thậm chí khủng hoảng về y tế.
Hiện F0 điều trị tại nhà của Hà Nội chiếm 96%, chưa đến 4% người nhiễm điều trị ở tầng 2 và 3 của thành phố. Nhưng vì số bệnh nhân tăng cao nên số giường bệnh phải chuẩn bị ở tầng 2 và 3 cũng rất lớn. Chúng tôi đã lập và quản lý chặt chẽ danh sách các nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền, cao huyết áp, suy thận mạn tính, chạy thận nhân tạo, suy giảm miễn dịch, ung thư...
Trên cơ sở danh sách này, ngành y tế tập trung ưu tiên tiêm chủng, đặc biệt là các mũi tiêm bổ sung. Đây cũng là nhóm cần xét nghiệm sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm, điều trị kịp thời tránh chuyển biến nặng.
Quản lý tốt bệnh nhân ở tầng 1 để hạn chế chuyển nặng, khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nặng thì cần chuyển tuyến kịp thời, điều phối hợp lý giữa tầng 2, 3 là cách hiệu quả nhất để giảm tải, ngăn chặn ca tử vong.
- Tốc độ gia tăng ca nhiễm như hiện nay có thể dẫn đến quá tải hệ thống y tế. Bà trả lời ý kiến này như thế nào?
- Hiện tuy tỷ lệ bệnh nhân nặng đã giảm so với trước, nhưng số liệu ca bệnh nặng vẫn có thể tăng nhanh do mỗi ngày Hà Nội ghi nhận hơn 10.000 F0 mới và có thể lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh bệnh viện thành phố, Hà Nội đã phối hợp, huy động thêm cơ sở y tế của Trung ương, trực thuộc bộ, ngành. Tới nay, chúng tôi đã chuẩn bị được 2.180 giường cho bệnh nhân tầng 2, 3, nhưng mới sử dụng khoảng 1.000 giường.
Để tránh việc quá tải, chúng tôi cũng thực hiện việc hạ tầng bệnh nhân một cách hợp lý theo tiến triển điều trị. Ví dụ, bệnh nhân tầng 2 và 3 chuyển biến tốt nhưng chưa đủ 10 ngày theo quy định của Bộ Y tế, nhân viên y tế sẽ cho bệnh nhân về nhà tự cách ly, điều trị thay vì phải chờ đủ 10 ngày để xuất viện. Việc này giúp tiết kiệm được giường bệnh cho F0 mới nhập viện, cũng như giảm tải cho nhân viên y tế.
Theo tính toán về khả năng đáp ứng thu dung bệnh nhân Covid-19, Sở Y tế khẳng định vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải. Kể cả đối với kịch bản số ca nhiễm tăng gấp đôi như hiện nay, thành phố cơ bản vẫn đáp ứng được.
- Nhiều F0 điều trị tại nhà gặp khó khăn trước tình trạng nhiễu loạn thông tin về biện pháp điều trị. Bà đưa ra lời khuyên nào cho người dân thời điểm này?
- F0 điều trị tại nhà chiếm tỷ lệ chủ yếu với 96%, do vậy việc thông tin, phổ biến kiến thức để người dân tự chăm sóc sức khỏe cho mình và người thân cần đặc biệt chú trọng.
Khi phát hiện dương tính, người dân cần tuân thủ triệt để chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế; sử dụng thuốc theo chỉ định, đặc biệt là các thuốc chống viêm, chống đông máu, kháng sinh, kháng virus...; vệ sinh đường hô hấp đúng cách, vận động, thể dục đúng mức, chế độ ăn uống nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý.
Phát hiện dấu hiệu bất thường, F0 cần thông báo với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị và tiếp cận thông tin y tế một cách chính thống. Người dân cần giữ bình tình vì hầu hết đã tiêm 2-3 mũi vaccine, triệu chứng khi nhiễm bệnh thường nhẹ, sẽ hết sau khoảng 7-10 ngày điều trị. Mọi người không nên hoang mang lo sợ, nhưng tránh tâm lý chủ quan, chờ đợi "rồi ai cũng là F0"; thực hiện nghiêm túc 5K, tránh tụ tập, hội họp, giao lưu không cần thiết là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
- Nhiều người dân phản ánh không liên hệ được trạm y tế xã, phường để khai báo sau khi phát hiện dương tính. Sở Y tế chỉ đạo rao sao để hạn chế việc này?
- Chúng tôi thấu hiểu người nhiễm nCov, dù nhẹ, không triệu chứng nhưng không tránh khỏi hoang mang, lo lắng. Người mắc Covid-19 điều trị tại nhà cũng rất cần sự quan tâm, động viên từ lực lượng y tế. Tuy nhiên, thực tế số ca nhiễm nhiều như hiện tại, chỉ riêng lực lượng của ngành y tế là không đủ để đáp ứng nhu cầu tư vấn, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà. Ngành y tế rất cần sự hỗ trợ, san sẻ của chính quyền cơ sở, chính quyền địa phương và các lực lượng phi y tế khác.
Ngoài nhân viên y tế, người dân có thể gọi hỗ trợ từ tổ Covid cộng đồng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, đường dây nóng của tổ dân phố, cụm dân cư; nhóm chat do nhân viên y tế phụ trách, tổng đài 1022 hoặc lực lượng y, bác sĩ về hưu tình nguyện tham gia chống dịch tại địa phương.
Sở Y tế cũng đã đề nghị chính quyền quận, huyện tích cực vào cuộc, huy động lực lượng, phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế để kịp thời hỗ trợ người dân, đặc biệt là ca triệu chứng nặng, cần chuyển tầng.
- Bà đánh giá thế nào về tình trạng khan hiếm kit test nhanh hiện nay?
- F0 tăng nhanh giai đoạn hiện nay kéo theo nhu cầu xét nghiệm nhanh tăng theo, đòi hỏi nguồn cung kit test rất lớn. Tình trạng khan hiếm kit xét nghiệm một phần cũng do người dân tự xét nghiệm tràn lan, không theo chỉ định gây lãng phí.
Hiện nay, có một bộ phận lớn người dân tò mò, tích trữ nhiều kit để xét nghiệm thường xuyên, có người một ngày xét nghiệm 3 lần để xem có lên vạch không. Hoặc có F0 nóng lòng, tự liên tục xét nghiệm để xem vạch mờ hay chưa.
Đây đều là những xét nghiệm không cần thiết, gây lãng phí, làm phức tạp thêm tình trạng thiếu hụt kit test nhanh, tạo cơ hội cho kit test không rõ nguồn gốc, kém chất lượng tràn vào thị trường.
Ngành y tế khuyến cáo đối với người có sức khỏe bình thường, chỉ thực hiện xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 hoặc chỉnh định của nhân viên y tế. Còn đối với người già, nhiều bệnh nền, nên xét nghiệm định kỳ 2-3 ngày/lần để sớm được phát hiện và điều trị.
Sơn Hà