Thời gian qua, hàng tài khoản Facebook đăng tin sai sự thật liên quan đến Covid-19, gây hoang mang dự luận, tạo tâm lý tiêu cực trong cộng đồng. Nhiều trường hợp trong số đó đã bị xử phạt. Thông tin này còn đáng sợ hơn cả sức tàn phá của cơn đại dịch.
Mở đầu tác phẩm kinh điển "Bố già" là hình ảnh luống cuống, hấp tấp của ông chủ nhà đòn - người từng được Bố già giúp đỡ - khi ông này được Corleone gọi điện. Ông ta không hiểu tại sao Bố già lại gọi mình, ông cần mình có việc gì? Thế rồi, tại nhà tang lễ, trong không khí lạnh lẽo đến ghê người, Bố già mặt lạnh tanh xuất hiện, ông kéo tấm drap trắng ra để nhìn mặt nát bươm của con trai Sonny lần cuối. "Bọn chúng làm con tôi thế này đây" – Bố già nói với vẻ mặt không một chút cảm xúc nào, rồi nhẹ nhàng kéo tấm drap che mặt con mình lại. Trong khi ông chủ nhà đòn thì run sợ, những người thân của Bố già thì thất kinh.
Khi khủng hoảng, khó khăn xảy ra, cách mỗi cá nhân, quốc gia đối diện, xử lý vấn đề sẽ cho thấy rõ nét bản lĩnh và đẳng cấp. Và khủng hoảng cũng sẽ là cơ hội vàng để rèn luyện, bồi đắp nên bản lĩnh, vị thế của mỗi cá nhân, quốc gia. Người như thế nào là người tài, bản lĩnh? Đó là "người mà khi gặp khó khăn cỡ nào cũng vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra". Bố già Don Corleone là người như vậy.
Quốc gia như thế nào thì sẽ có vị thế, đẳng cấp cao được toàn thế giới ngưỡng mộ? Ngoài việc là một quốc gia giàu có, hùng mạnh thì cách mà quốc gia đó, mỗi công dân của quốc gia đó đối phó khi gặp khủng hoảng là một hình ảnh cô đọng để mọi người có thể biết đẳng cấp, vị thế của mình như thế nào?
Nhật Bản bị thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011. Khi chứng kiến thảm họa này, chúng ta bắt gặp những hình ảnh, bài học xúc động. Hình ảnh mọi người xếp hàng trật tự để nhận phần thức ăn, nước uống cứu trợ hay hình ảnh các cửa hàng, siêu thị không hề bị cướp phá, hôi của là những hình ảnh quá ấn tượng, hơn vạn lời ca tụng với toàn thế giới. Trong khủng hoảng người dân Nhật Bản vẫn làm được điều bình thường đối với đất nước họ, phi thường đối với nước ngoài như vậy thì Tổ quốc của họ chắc chắn sẽ phát triển và mãi trường tồn. Vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế là minh chứng hùng hồn cho điều này.
>> Nhà tôi ăn Tết kiểu mới giữa mùa dịch
Để nâng vị thế của Việt Nam, trước hết, chúng ta cần có những chính sách để mỗi người Việt đều có thể phát huy hết tiềm năng của mình. Trong "Thế giới phẳng", nhà báo Thomas Friedman đã chỉ ra rằng: trước kia chính sách phát triển của các quốc gia là phát triển để trở thành quốc gia hùng mạnh, ngày nay chiến lược phát triển của quốc gia là tạo cơ hội để mỗi người dân có thể phát triển hết tiềm năng của mình để thành cá nhân hùng mạnh. Khi mỗi công dân đều có cơ hội để trở nên hùng mạnh thì đất nước sẽ trở nên hùng mạnh. Điều này luôn là chân lý.
Mỗi cá nhân muốn trở nên hùng mạnh cần phải rèn luyện hàng ngày, cần phải có tri thức sâu, rộng; có lòng yêu nước nồng nàn, bản lĩnh vững vàng... Khi có lòng yêu nước nồng nàn thì sẽ không làm hại đất nước từ những việc làm nhỏ nhất. Khi có tri thức, có lòng yêu nước, có bản lĩnh thì khi gặp khó khăn như khi đất nước gặp dịch Covid-19 này, chúng ta sẽ không hốt hoảng; không thu gom thực phẩm, bo bo lo cho bản thân mình và gia đình; không like, share những tin giả để tình trạng thêm hỗn loạn, mất kiểm soát, làm cho tình hình càng tồi tệ thêm. Thay vào đó, chúng ta sẽ bình tĩnh, không hoảng loạn, hoang mang, cùng mọi người thực hiện những biện pháp tích cực chống dịch; sẵn sàng đối mặt với bất kỳ khó khăn nào.
Tâm lý khủng hoảng còn đáng sợ hơn Covid-19. Thiên tai, địch họa, chúng ta đều có thể vượt qua được khi có bản lĩnh vững vàng. Minh chứng rõ nét nhất là ngày 11/7/2020, sau 115 ngày chiến đấu không mệt mỏi của đội ngũ y, bác sĩ, bệnh nhân Covid-19 - phi công người Anh - đã được xuất viện. Đây cũng chính là hình ảnh chiến thắng của Việt Nam trong trận đầu với đại dịch Covid-19.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.