Một tháng trước ông Chính thỉnh thoảng hoa mắt, mệt mỏi thoáng qua, có lúc ngất, bác sĩ một bệnh viện chẩn đoán ông hẹp 80% động mạch cảnh trong hai bên. Khi ấy ông từ chối phẫu thuật, muốn uống thuốc điều trị.
Lần này kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận ông Chính bị xuất huyết tiêu hóa. Kết quả nội soi xác định tổn thương viêm loét dạ dày. Ngày 19/2, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, cho biết đây là trường hợp phức tạp, xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày trên nền hẹp nặng động mạch cảnh hai bên, đang phải điều trị với thuốc chống kết tập tiểu cầu. Loại thuốc này rất cần thiết để phòng ngừa nguy cơ tắc động mạch cảnh, nhưng lại làm tăng nguy cơ xuất huyết.
Các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và mạch máu hội chẩn, lên kế hoạch điều trị tích cực cho cả hai tình trạng bệnh, nguy cơ biến chứng cao gây xuất huyết nặng hoặc tắc động mạch cảnh dẫn đến đột quỵ. Sau điều trị ổn định xuất huyết tiêu hóa, ông Chính được bác sĩ phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh trong bên trái ngừa đột quỵ. Bác sĩ Dũng đánh giá bệnh nhân lớn tuổi, hẹp nặng hai động mạch chính dẫn máu lên não, không thể chịu đựng cuộc mổ lớn, kéo dài, nguy cơ đột quỵ trên bàn mổ. Do đó, bác sĩ xử lý trước một nhánh động mạch cảnh, nhánh còn lại dự kiến phẫu thuật sau hai tháng.
Êkíp gây mê nội khí quản, rạch da để bộc lộ động mạch cảnh bị mảng xơ vữa lấp kín. Bác sĩ kẹp tạm thời động mạch cảnh trái để ngăn dòng máu chảy qua, dễ thao tác. Trong suốt cuộc phẫu thuật, não của bệnh nhân nhận máu nuôi từ hệ thống nhánh động mạch bàng hệ. Sau khi động mạch cảnh trái được làm sạch, bác sĩ vá mạch máu, mở kẹp và hoàn tất ca mổ. Kiểm tra sau mổ, lưu lượng máu lên não cải thiện đáng kể, 9 ngày sau bệnh nhân sức khỏe ổn định nên được xuất viện.

Bác sĩ Dũng (giữa) cùng êkíp phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Huyền
Động mạch cảnh là các nhánh chính xuất phát từ động mạch chủ ngực, chạy dọc hai bên cổ lên cung cấp máu nuôi não (động mạch cảnh trong) và vùng đầu cổ (động mạch cảnh ngoài). Hẹp động mạch cảnh xảy ra khi thành mạch bị dày lên do mảng xơ vữa, làm hẹp dần lòng mạch.
ThS.BS.CKI Phan Vũ Hồng Hải, khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mức độ tổn thương não ít hay nhiều sẽ thể hiện trên lâm sàng với các dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua hay đột quỵ. Người bệnh thường có biểu hiện chóng mặt, choáng váng, buồn nôn và nôn... như triệu chứng ông Chính gặp phải. "Những dấu hiệu này tưởng chừng vô hại nhưng cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể xảy đến bất cứ lúc nào", bác sĩ Hải nói. Nhiều người bị tai biến mạch máu não để lại di chứng nặng nề, tử vong vì cấp cứu muộn. Nếu ông Chính không bị xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện gấp, tình trạng hẹp mạch cảnh chưa được xử lý sẽ diễn tiến xấu.
Hẹp động mạch cảnh nguy hiểm nhưng khó nhận biết do các triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như thiếu máu, rối loạn tiền đình, đau đầu... Bệnh ở giai đoạn đầu có thể điều trị nội khoa. Bệnh nhân hẹp động mạch cảnh mức độ nặng từ 70% trở lên cần can thiệp đặt stent hoặc bóc nội mạc động mạch cảnh.
Bệnh nhân mắc bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu nhiều năm hoặc có yếu tố nguy cơ khác gồm hút thuốc lá, béo phì, mỡ máu cao, ít vận động, chế độ ăn nhiều đường, nhiều chất béo... nên đi khám. Những bệnh nhân hẹp động mạch cảnh đột nhiên xuất hiện triệu chứng méo miệng, liệt nửa người hoặc một bên tay chân, khó nói hoặc không nói được, mất thị lực một bên, rối loạn thăng bằng..., cần nhanh chóng đến bệnh viện.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |