Hẹp bao quy đầu là hiện tượng bao quy đầu ở dương vật không thể kéo xuống được khiến các xác tế bào, chất cặn bã trong nước tiểu không thoát ra ngoài. Tình trạng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, từ đó gây viêm nhiễm. Khoảng 12-20% trường hợp viêm vùng kín liên quan đến hẹp bao quy đầu ở nam giới.
Ngày 24/6, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đa số bé trai mới sinh (96%) bị hẹp bao quy đầu sinh lý. Đến 3 tuổi, tỷ lệ này giảm còn 10% và giảm xuống 1% lúc 14 tuổi. Trẻ bị dị tật này thường có biểu hiện tiểu rắt, bí tiểu, đầu dương vật có thể chảy mủ, sưng viêm. Trẻ bị hẹp bao quy đầu lâu ngày không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng như viêm nhiễm đường sinh dục, nhiễm trùng đường tiểu. Trẻ dễ bị ảnh hưởng đến thận, tăng nguy cơ ung thư.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khoảng 70% bé trai đến khám hẹp bao quy đầu gặp biến chứng viêm vùng kín. Bệnh còn thể xuất phát từ nguyên nhân khác như vệ sinh bộ phận sinh dục không sạch sẽ, lộn bao quy đầu không đúng cách, viêm niệu đạo hay do thói quen cho trẻ mặc quần áo ẩm ướt, chật chội.
Theo bác sĩ Trọng, nếu phát hiện sớm hẹp bao quy có thể nong không cần phẫu thuật. Tuy vậy, phần lớn bệnh nhi phát hiện trễ, viêm kéo dài biến chứng xơ dính, buộc phải mổ.
Như bé Minh Anh, 12 tuổi, hẹp bao quy đầu từ khi 3 tuổi, không điều trị. Vùng kín nhiều lần sưng, viêm, sốt, phải dùng thuốc kháng sinh kéo dài. Đến tuổi gần dậy thì, kích thước dương vật tăng nhưng vùng da bảo vệ không giãn, khiến bé sưng, đau. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tiểu khó, viêm nặng. Bác sĩ kiểm tra ghi nhận da quy đầu bị viêm xơ dính, gần như bít lỗ tiểu.
Trường hợp khác là bé Bảo, 7 tuổi, nhập viện với triệu chứng đau, bí tiểu, tiểu phồng. Gia đình bệnh nhi cho biết bé từng được phẫu thuật ở một cơ sở y tế khi 5 tuổi, ít lâu sau bị bít lại và tiết dịch, tái viêm. Gần đây, vùng kín bé phù nề, bé sốt và quấy khóc, bác sĩ chỉ định phẫu thuật.
Bác sĩ Đỗ Trọng cho biết phẫu thuật cắt bao quy đầu không khó, nhưng khoảng 1-10% trẻ có thể gặp biến chứng như chảy máu, nhiễm khuẩn, hẹp lỗ ngoài niệu đạo, loét và tái dính sau mổ.
Như bé Gia Bảo bị tái dính sau phẫu thuật cách đây hai năm nên điều trị khó hơn. Bác sĩ gỡ dính, mở rộng bao quy đầu, sau đó khâu lại bằng chỉ nhỏ, đảm bảo hiệu quả điều trị, tính thẩm mỹ.
"Khi đường cắt không đủ rộng, sau mổ, vùng da che phủ dương vật bị co rút, biến dạng. Đây cũng là nguyên nhân gây tái phát, phải mổ lần hai", bác sĩ Trọng nói.
Sau phẫu thuật, vùng kín bé trai có thể bị phù nề, bầm tím nhẹ. Hiện tượng này chỉ là phản ứng viêm tại chỗ, xảy ra sau mổ. Một vài trường hợp vết cắt có lượng nhỏ máu trên bề mặt nhưng hết ngay sau đó.
Bệnh nhi nên thay băng vào ngày thứ hai sau mổ, kiêng tắm 1-2 ngày. Sau đó tắm bằng nước ấm và làm vết cắt bị dính nước hay nước tiểu, thay băng ngay nếu bị ướt. Trẻ mặc quần rộng để không chà sát vào vết thương.
Viêm vùng kín ở trẻ em là bệnh thường gặp ở độ tuổi 2-5. Bệnh thường do thói quen giữ vệ sinh không tốt, ít nghiêm trọng, có thể chữa bằng thuốc và giữ vệ sinh. Để phòng bệnh, phụ huynh cần dạy bé vệ sinh khi tắm, sau khi đi vệ sinh. Quan sát vùng kín có biểu hiện sưng đau, phù nề, loét, có mủ, biến đổi màu da, chảy máu..., phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay.
Đình Lâm
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về Nhi - Sơ sinh tại đây để bác sĩ giải đáp |