Trả lời:
Hắng giọng là phản xạ tự nhiên, có tác dụng làm sạch đường hô hấp vùng thanh quản và hạ họng bị kích thích. Một số trường hợp có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như trào ngược dạ dày thanh quản, viêm mũi họng mạn tính, viêm mũi xoang, dị ứng, khó nuốt hoặc nhiễm trùng đường hô hấp.
Thông thường hắng giọng không nguy hiểm nhưng có thể gây hại cho dây thanh quản nếu kéo dài. Khi hắng giọng, dây thanh quản va đập mạnh vào nhau với áp lực cao hơn nhiều so với khi nói chuyện bình thường, có thể gây chấn thương dây thanh, viêm mạn tính và phù nề. Lâu dần, các nốt xơ dây thanh quản (vocal nodules) có thể hình thành tại điểm va chạm, thường ở vị trí giữa dây thanh.
Trường hợp nặng có thể xuất hiện polyp dây thanh, làm thay đổi giọng nói vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Viêm thanh quản mạn tính, dày dây thanh cũng là hậu quả thường gặp do thói quen hắng giọng. Ngoài ra, hắng giọng cũng có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn gồm hắng giọng gây kích thích niêm mạc họng, làm tăng cảm giác vướng, khiến người bệnh hắng giọng nhiều hơn.

Hắng giọng không nguy hiểm nhưng có thể gây hại dây thanh quản nếu kéo dài. Ảnh minh họa: Tuấn Đạt
Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám nếu hắng giọng kéo dài trên ba tháng hoặc kèm theo các triệu chứng như khàn tiếng dai dẳng không cải thiện sau hai tuần, khó nuốt, nuốt đau, cảm giác nghẹn. Người bị hắng giọng kèm xuất hiện hạch cổ, có tiền sử hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, hay nói với tần suất nhiều, âm lượng to, kéo dài, lặp lại... cũng cần được kiểm tra.
Bác sĩ khám lâm sàng và có thể chỉ định nội soi hoạt nghiệm thanh quản để xác định nguyên nhân, từ đó đưa ra phương pháp điều trị, bài tập luyện giọng phù hợp.
ThS.BS Nguyễn Chí Trung
Khoa Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |