Người vợ được đưa đến bệnh viện gần nhà cấp cứu, sau đó chuyển lên tuyến trên. Bé gái khám và rửa vết thương tại một bệnh viện nhi, được cho về nhà theo dõi. Khoảng 48 giờ sau, bé sốt cao, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Ngày 12/9, ThS.BS.CKI Lê Thị Ngọc, khoa Nhi, cho biết bệnh nhi bỏng độ 2, diện tích bỏng gần 15% cơ thể. Chân bé bỏng nặng, da phồng rộp, có vùng bị tróc da, lộ lớp cơ màu trắng, sốt cao cho thấy dấu hiệu nhiễm trùng.
Bệnh nhi được chăm sóc vết bỏng, quấn băng gạc tẩm thuốc chống nhiễm trùng, sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau. Hiện, sức khỏe bé ổn định, dự kiến điều trị kéo dài, vết bỏng có nguy cơ tạo sẹo co rút vùng khuỷu chân, ngón chân.
Bác sĩ Ngọc cho biết bỏng nước sôi gây tổn thương da nặng. Trẻ gặp tai nạn bỏng nước sôi chủ yếu do ngã vào nồi canh, nồi lẩu, nghịch phích nước, nước tắm quá nóng... Phụ huynh không nên cho con tới gần trong khi đun và pha nước tắm, giữ nước ở nhiệt độ khoảng 38 độ C khi tắm cho bé.
Trường hợp bé bỏng nước sôi, phụ huynh nhanh chóng cởi bỏ quần áo, rửa vết bỏng dưới vòi nước hoặc ngâm vào chậu nước sạch trong vòng 15 phút để giảm nhiệt độ, giảm đau, sưng, hạn chế viêm nhiễm. Sau đó, dùng khăn sạch quấn trẻ, chuyển đến bệnh viện gần nhất. Không dùng nước đá lạnh, phun rượu, bôi giấm hay kem đánh răng lên vết bỏng vì có thể làm gia tăng tổn thương.
Ngoài nước sôi, trẻ nhỏ có thể bỏng do lửa, điện, bàn ủi, xăng, hóa chất... Bác sĩ Ngọc cho biết bỏng có thể gây biến chứng như suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy thận cấp, nhiễm, xuất huyết tiêu hóa, suy tuần hoàn.
Phụ huynh tránh cho trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc với điện, hóa chất, nước sôi, lửa, thức ăn nóng, nồi lẩu. Người lớn bê nồi canh, nước sôi, thức ăn... cần tránh xa trẻ em để hạn chế va chạm, té ngã. Cha mẹ cần giáo dục để trẻ lớn biết cách phòng tránh nguy hiểm.
Tuệ Diễm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |