Bệnh moyamoya xảy ra khi đường kính mạch máu hẹp dần, dẫn đến lưu lượng máu não ngày càng không đủ cung cấp máu cho não. Cơ thể bù đắp lại bằng cách tăng sinh một mạng lưới mạch máu não nhỏ (tuần hoàn bàng hệ não) để tưới máu cho vùng não đang bị thiếu. Tuy nhiên, thành mạch trên tuần hoàn bàng hệ thường mỏng, yếu, dễ vỡ, gây đột quỵ xuất huyết não. Chị Linh mắc bệnh moyamoya xuất huyết - thể nguy hiểm nhất. Ba thể khác là moyamoya không triệu chứng, động kinh và thiếu máu não.
Chị Linh xuất hiện triệu chứng đột quỵ xuất huyết não sau hai ngày phẫu thuật u nang buồng trứng, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Kết quả chụp MRI 3 Tesla mạch máu não phát hiện hẹp đoạn cuối động mạch cảnh kèm vỡ tuần hoàn bàng hệ vùng hạch nền hai bên não.
Ngày 8/1, ThS.BS.CKII Mai Hoàng Vũ, khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, cho biết phẫu thuật u nang buồng trứng làm tăng áp lực máu lên não, vì bệnh nhân đã có sẵn bệnh moyamoya nên nguy cơ vỡ các mạch máu nhỏ ở tuần hoàn bàng hệ cao hơn. Tuy lượng máu tụ trong não chưa nhiều nhưng nguy cơ các mạch máu nhỏ tiếp tục tái vỡ trên diện rộng rất cao. Đột quỵ xuất huyết não dưới nhện lần hai luôn nguy hiểm hơn lần đầu.
Để xác định mức độ bệnh và phương pháp điều trị, các bác sĩ chỉ định chụp thêm MRI 3 Tesla tưới máu não, kết quả cho thấy cả hai bên não của người bệnh đều giảm tưới máu. "Nếu không mổ kịp thời, bệnh nhân có thể chuyển biến xấu đột ngột do đột quỵ nhồi máu não hoặc tái xuất huyết não, thậm chí tử vong", bác sĩ Vũ nói.
Bác sĩ quyết định thực hiện hai cuộc mổ bắt cầu động mạch ở hai bên não bằng hệ thống kính vi phẫu K.Zeiss Kinevo 900 tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và tính năng chụp huỳnh quang 3D. Hai cuộc mổ não cách nhau một tháng vì kỹ thuật khó, thời gian mổ mỗi bên kéo dài 3-4 giờ. Nếu mổ cùng lúc hai bên, thời gian gây mê kéo dài, sức khỏe người bệnh có thể không đảm bảo, nguy cơ biến chứng cao.
Cuộc mổ lần một, bác sĩ mở đường mổ khoảng 5 cm tại vùng thái dương phải, từng bước tiếp cận, tỉ mỉ bóc tách động mạch thái dương nông và động mạch não giữa, tránh làm tổn thương các mạch máu, bó sợi thần kinh xung quanh. Sau đó, bác sĩ tiến hành nối thông hai động mạch não này với nhau nhằm tái tuần hoàn máu não, cung cấp cho vùng não đang bị thiếu máu. Công cụ AI và tính năng chụp huỳnh quang 3D của kính vi phẫu K.Zeiss Kinevo 900 thế hệ mới hỗ trợ bác sĩ đánh giá tình trạng lưu thông máu tại vị trí vừa nối, đảm bảo hoạt động tốt.
Hậu phẫu lần một, chị Linh phục hồi sức khỏe tốt. Kết quả chụp MRI 3 Tesla tưới máu não xác định tưới máu não bên bán cầu phải cải thiện đáng kể, không còn thiếu máu.
Sau gần một tháng, chị Linh được nhập viện để mổ lần hai. Lần này, bác sĩ nối thông thành công động mạch thái dương nông và động mạch não giữa bên bán cầu não trái cho người bệnh. Sau mổ 5 ngày, chị được xuất viện, tái khám sau một tuần.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo chị Linh cần duy trì dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu khoảng ba tháng để ngăn ngừa nguy cơ hẹp tắc mạch máu tại hai vị trí vừa nối thông. Sau đó, bệnh nhân được chụp lại MRI 3 Tesla tưới máu não để đánh giá toàn diện hiệu quả hai cuộc mổ, có phương án điều chỉnh hoặc ngừng thuốc phù hợp.
Tùy mỗi thể bệnh moyamoya, người bệnh có thể khởi phát triệu chứng hoặc không. Triệu chứng điển hình gồm co giật, động kinh, đau đầu, mờ mắt, tê yếu tay chân, méo miệng, nói khó... Người bệnh nên khám và điều trị kịp thời tại chuyên khoa thần kinh khi thấy bất thường, tránh để lâu nguy hiểm.
Trường Giang
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |