Hai bé sinh mổ ở tuần thai 32, mỗi bé nặng gần 1,6 kg, bị thoát vị hoành, tức cơ hoành phát triển không hoàn toàn khiến các cơ quan trong ổ bụng bị đẩy vào khoang ngực, cản trở sự phát triển hình thành phổi. Thoát vị hoành bẩm sinh có tỷ lệ khoảng 1-4/10.000 ca sinh sống. "Đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận trường hợp cả hai bé song sinh đều bị thoát vị hoành", bác sĩ Trọng nói.
Hai bé chào đời, êkíp bác sĩ Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, túc trực trong phòng mổ chuyển ngay đến phòng NICU chăm sóc tích cực, thở máy và nuôi ăn qua đường tĩnh mạch để chuẩn bị phẫu thuật.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, khoa Ngoại Nhi, cho biết thoát vị hoành ở trẻ có nguy cơ tăng áp phổi kéo dài, suy hô hấp nhiễm trùng... nguy cơ tử vong cao. Hai bé sinh non, lại thiếu cân nên không thể mổ nội soi, bởi phương pháp này chỉ dành cho trẻ sơ sinh trên 3 kg.
"Thời điểm phẫu thuật rất quan trọng bởi nếu tính toán sai lệch có thể khiến trẻ bị tăng áp phổi nặng gây suy hô hấp, phụ thuộc thở máy kéo dài, thở khí dãn mạch phổi (NO), can thiệp ECMO (quá trình oxy hóa màng ngoài cơ thể)", bác sĩ Trọng giải thích, thêm rằng hai bé còn bị rối loạn đông máu, cần được điều chỉnh, theo dõi sát trước mổ.
Sau khi hội chẩn, êkíp phẫu thuật ngay cho hai bệnh nhi sau 48 giờ chào đời. Bệnh nhi được truyền máu trước mổ, đồng thời chuẩn bị máu và huyết thanh tươi đông lạnh trong quá trình mổ để phòng ngừa xuất huyết, bù lại cho bé sau mổ.
Ca mổ đầu tiên của bé Linh, bác sĩ phát hiện lỗ thoát vị hoành to, các tạng trong bụng như ruột non, ruột già, lách... bị dồn lên nhiều. Bác sĩ kéo tạng thoát vị về lại ổ bụng, xếp lại đúng vị trí tự nhiên, sau đó khâu phục hồi cơ hoành có tăng cường bằng miếng cơ hoành nhân tạo. Sau 120 phút, ca mổ thành công, bé được chuyển lại xuống NICU. Lúc này, bé Ly được gây mê và truyền máu sẵn sàng, vào phòng mổ ngay sau chị gái, quy trình và kỹ thuật can thiệp được lặp lại. Sau hơn 4 giờ, cả hai ca mổ kết thúc thành công.
Song bệnh nhi sau mổ cần tiếp tục thở nội khí quản thêm nhiều ngày. "Trường hợp thiếu cân, thiếu tháng như hai bé, nếu đặt nội khí quản kéo dài có nguy cơ cao phụ thuộc vào máy thở cả đời, dễ biến chứng do nhiễm trùng", bác sĩ Trọng cho biết.
Hai bệnh nhi được chăm sóc tích cực sau mổ, sau hai ngày sức khỏe hai bé ổn định, cai được máy thở. Sau một tuần hai trẻ bú sữa tốt, tự tiêu, vết thương lành tốt, tự thở được với khí trời, tăng cân tốt, được xuất viện.

Bác sĩ Trọng (giữa) và ê kíp phẫu thuật thoát vị hoành cho bé Linh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trẻ sơ sinh bị thoát vị hoành bẩm sinh thường bị suy hô hấp nghiêm trọng. Bệnh lý này dễ dẫn đến hai biến chứng giảm sản phổi và tăng áp phổi - nguyên nhân gây tử vong ở trẻ sơ sinh.
Hiện nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ ràng, bệnh có thể bị ảnh hưởng các yếu tố di truyền như đột biến nhiễm sắc thể, gene hay do môi trường, dinh dưỡng... Bác sĩ Trọng cho biết bệnh không thể phòng ngừa, tuy nhiên nếu được phát hiện ngay từ trong bụng mẹ, kế hoạch điều trị cho em bé sau sinh kịp thời có thể hạn chế biến chứng của bệnh.
Nguyên tắc điều trị thoát vị hoành bẩm sinh là cần phối hợp giữa các bộ phận xử trí tại phòng sinh, chuyển viện an toàn (đối với cơ sở y tế không có đầy đủ các chuyên khoa), hồi sức trước mổ, phẫu thuật, hồi sức sau mổ tại phòng chăm sóc đặc biệt.
Thai phụ cần đi khám và siêu âm thai định kỳ tại các cơ sở y tế được trang bị đầy đủ máy móc hiện đại.
Đình Lâm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |