Kết quả xét nghiệm hình ảnh học (siêu âm và CT) của bà tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ghi nhận hạch ở nhiều vị trí như cổ, nách, lồng ngực, bụng, bẹn.... Hạch lớn nhất ở ngực và bụng, kích thước 6x10 cm.
Ngày 16/4, BS.CKII Nguyễn Trần Anh Thư, khoa Ung bướu, cho biết hạch của người bệnh phì đại, kết thành chùm trong bụng quanh tụy, gan, lách, dọc động mạch chủ, chèn ép gây phù chân, bụng căng tức. Nếu không nhập viện và điều trị sớm, hạch ngày càng to có thể gây khó thở, chèn ép đường tiểu và các biến chứng khác.
Kết quả sinh thiết hạch cho thấy bà Chuyên mắc ung thư hạch bạch huyết (lymphoma), loại lymphoma không Hodgkin, giai đoạn 3B.
Bà được truyền hóa chất để giảm kích thước hạch. Sau toa đầu tiên, chân phù giảm 50%, hạch to giảm nửa kích thước, bụng nhỏ lại, hết đau. Sau lần truyền hóa chất thứ hai, siêu âm cho thấy toàn bộ hạch trên cơ thể giảm 80% kích thước, có hạch tan hoàn toàn. Bà cần điều trị thêm 4 đợt hóa chất để hoàn tất liệu trình.
![[Caption]Điều dưỡng kiểm tra đường truyền dịch cho bà Chuyên. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/04/16/dau-bung-1324-1713220578.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_ul1ksaYrMabt02oFfeW3A)
Điều dưỡng đo huyết áp cho bà Chuyên. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bà Chuyên cho biết 4 tháng qua thường mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, bụng bắt đầu to dần, thỉnh thoảng đau vùng bụng trên rốn (vùng thượng vị), nhưng không nghĩ do ung thư.
Ung thư hạch bạch huyết (lymphoma) là sự phân chia mất kiểm soát của các tế bào bạch cầu lympho, gồm hai loại chính là lymphoma không Hodgkin (chiếm khoảng 90%) và lymphoma Hodgkin. Lymphoma không Hodgkin có tiên lượng xấu và khó điều trị hơn so với Lymphoma Hodgkin.
Chưa rõ nguyên nhân gây ung thư hạch bạch huyết. Các yếu tố nguy cơ của bệnh này gồm tuổi tác, nhiễm khuẩn, viêm mạn tính mô bạch huyết, suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, ghép tạng. Người mắc các bệnh tự miễn gồm viêm khớp dạng thấp, viêm ruột, hội chứng Sjogren... cũng thuộc nhóm nguy cơ ung thư hạch bạch huyết.
Bác sĩ Anh Thư khuyến cáo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên vận động; hạn chế rượu bia, chất kích thích để tăng cường thể lực, giảm viêm nhiễm và nguy cơ mắc bệnh gây suy giảm miễn dịch.
Không nên làm việc lâu dài trong môi trường ô nhiễm hay tiếp xúc hóa chất. Trường hợp phải làm việc trong môi trường này nên sử dụng đồ bảo hộ, khám sức khỏe định kỳ ở nơi có thiết bị hiện đại, bác sĩ nhiều kinh nghiệm để phát hiện bệnh sớm nếu có, điều trị kịp thời.
Nguyễn Trăm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |