Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CKII Nguyễn Trần Anh Thư, khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Hệ thống miễn dịch trong cơ thể gồm các tế bào bạch cầu, cơ quan tuyến ức, lách, amidan (amygdal), mạch máu bạch huyết, hạch bạch huyết và tủy xương. Sự phân chia mất kiểm soát của các tế bào bạch cầu lympho gây ra ung thư hạch bạch huyết (lymphoma).
Phân loại
Bệnh gồm hai loại chính là lymphoma không Hodgkin chiếm khoảng 90% và lymphoma Hodgkin.
Ung thư hạch bạch huyết phổ biến ở người lớn tuổi từ 50 đến 60 tuổi, nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành. Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết cao hơn nữ giới. Bệnh có xu hướng gia tăng.
Triệu chứng
Đa số bệnh nhân ung thư hạch bạch huyết có vị trí tổn thương ban đầu xuất phát từ hạch bạch huyết (hạch lympho), chiếm 2/3 trường hợp, sau đó lan tràn đến các vị trí ngoài hạch.
Người bệnh tình cờ phát hiện khối hạch sưng to ở cổ, nách, bẹn, có thể nhìn thấy hoặc sờ chạm. Tuy nhiên, gần 1/3 trường hợp có tổn thương ban đầu ở các vị trí ngoài hạch như đường tiêu hóa, tai mũi họng, da, não, gan, phổi...
Các tổn thương ngoài hạch khó chẩn đoán hơn và dễ bỏ sót. Bên cạnh đó, người bệnh có thể có một số triệu chứng không rõ ràng như sốt không rõ nguyên nhân, sụt cân, đổ mồ hôi đêm, mệt mỏi, chán ăn, phát ban, ngứa.
Ở giai đoạn bệnh tiến xa, tùy theo vị trí tổn thương và mức độ chèn ép, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, khó thở, phù mặt cổ - ngực, dấu hiệu thần kinh (yếu liệt nửa người, rối loạn tiêu tiểu do chèn ép tủy sống).
Yếu tố nguy cơ
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ung thư hạch bạch huyết. Các yếu tố nguy cơ của bệnh gồm:
- Tuổi tác.
- Nhiễm khuẩn (Chlamydia psittaci, Campylobacter jejuni, virus viêm gan C...).
- Viêm mạn tính mô bạch huyết.
- Nhiễm virus Epstein-Barr.
- Suy giảm hệ miễn dịch như nhiễm HIV, ghép tạng.
- Mắc bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm ruột.
Điều trị
Ung thư hạch bạch huyết có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và người bệnh đáp ứng tốt với các phương pháp chữa bệnh như hóa trị, xạ trị.
Ung thư hạch bạch huyết có xu hướng lây lan nhanh đến các cơ quan trên cơ thể. Tùy theo giai đoạn, loại tế bào ung thư hạch, tính chất sinh học phân tử, vị trí biểu hiện bệnh (hạch, hệ thần kinh trung ương, đường tiêu hóa...) và tổng trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Tiên lượng sống
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), tỷ lệ sống sau 5 năm đối với bệnh nhân mắc bệnh lymphoma Hodgkin giai đoạn một là 91%, giai đoạn 4 là 81%. Đối với bệnh nhân mắc lymphoma không Hodgkin, tiên lượng điều trị ít khả quan so với lymphoma Hodgkin. Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân lymphoma không Hodgkin là 74% (thống kê SEER năm 2013-2019), sau 10 năm khoảng 57%.
Người có yếu tố nguy cơ nên khám tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh (nếu có) ở đoạn sớm. Khi có các dấu hiệu nổi hạch, đau bụng kéo dài, sụt cân, đổ mồ hôi đêm..., người bệnh nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa Ung Bướu để tìm nguyên nhân và điều trị.
Nguyễn Trăm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |