Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng ngập úng kéo dài tại Gò Vấp, Thủ Đức, độc giả HoangDuc Minh Nguyen chia sẻ: "Bài toán chống ngập có đơn giản? Toàn bộ các con hẻm của thành phố đều bị bê tông hóa hết thì lấy gì mà không ngập? Ngày xưa hệ thống cống không nhiều và đa phần cũ kỹ nhưng tại sao không ngập? Lý do là bởi ngày xưa đường hẻm đa phần là đường đất, hễ mưa xuống là nước mưa tự động ngấm xuống lòng đất.
Còn bây giờ, bê tông hóa toàn bộ hẻm và mật độ xây dựng quá cao. Thậm chí người ta còn lấp bớt kênh rạch để lấy mặt bằng xây dựng, nên nước mưa không có chỗ thoát, tất cả đổ hết ra cống. Nhưng hệ thống cống của chúng ta cũng không được làm đồng bộ, mỗi địa phương làm một kiểu, to nhỏ khác nhau, nên hình thành những điểm ngập úng cục bộ.
Giải pháp đơn giản nhất là làm cho mặt đất có chỗ để thoát nước, cho đất "thở". Cụ thể là thay vì đổ bê tông toàn bộ mặt ngõ, hẻm, chúng ta có thể đổ đan xen, tạo những khe hở để nước có chỗ ngấm vào lòng đất (đồng thời bù nước cho mạch nước ngầm. Lúc đó, áp lực cho cống thoát nước sẽ được giảm bớt do không phải gồng mình để tiêu thoát toàn bộ nước mưa nữa.
Đồng thời, khi mưa xuống, nhân viên đô thị cũng cần đi kiểm tra ngay những cống rãnh có rác bịt kín đường thoát để không xảy ra tình trạng tắc nghẽn gây ngập úng. Còn vấn đề triều cường, cứ làm miệng cống thoát một chiều. Tại sao làm đê ngăn mặn được mà không làm cống ngăn triều cường được? Đây chỉ là mấy lời tâm huyết với TP HCM thân yêu của tôi, mong sẽ được các nhà quản lý quan tâm, lắng nghe".
>> Nỗi lo '10 năm nữa Hà Nội vẫn cứ mưa là ngập'
Tình trạng ngập tại khu vực Gò Vấp, Thủ Đức kéo dài gần chục năm qua. Hàng chục hộ xung quanh đã phải nhiều lần nâng nền, lắp cầu thang biến nhà trở thành hầm để thích nghi với ngập triền miên. Thế nhưng, cứ sau mỗi trận mưa lớn, nước lại tràn vào nhà dân hai bên đường. Theo Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM, các khu vực trên bị ngập do hệ thống cống đã cũ, nhỏ hẹp, trong khi nhiều tuyến độ dốc lớn, địa hình trũng thấp so với khu vực xung quanh. Các biện pháp đã được triển khai như duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét để khơi thông dòng chảy vẫn chưa hiệu quả.
"Gò Vấp vốn có nền đất cao, trước đây trồng hoa, trồng rau rất nhiều nên có chỗ thoát nước. Giờ thì nhà cửa mọc san sát, đường cống lại vẫn là ống nhỏ như vùng ngoại thành trước kia, nên hễ mưa lớn là ngập nhanh. Thủ Đức cũng vậy, trước kia còn nhiều nhà vườn trồng mai và cây bonsai, nhưng giờ ngập nhiều làm chết cây nên người ta cũng dẹp hết. Dân đông, nhà nhiều, lại không có đất trống để thoát bớt nước, trong khi đường cống thì vẫn vậy, nên mưa to là nước không thoát kịp, chảy tràn trên đường từ cao xuống thấp như thác chứ không ngập từ từ kiểu ứ nước như trước", bạn đọc Thuylinhht nói thêm.
Đồng quan điểm, độc giả Thanhtu lý giải nguyên nhân nâng đường vẫn không hết ngập: "Ngập là do biện pháp chống ngập trước giờ vẫn chủ yếu chỉ là nâng cao đường tại điểm ngập. Làm như vậy thì chỉ có tác dụng chuyển ngập từ chỗ này qua chỗ khác. Khi các con đường được nâng lên thì nhà dân lại ngập, và ngược lại khi nhà dân nâng lên thì đường lại ngập. Hãy chống ngập bằng cách tạo nơi chứa nước mưa và bơm lại vào kênh rạch khi nước sông xuống thấp. Chống ngập triều cường bằng các cống ngăn triều, nạo vét các con kênh sông của thành phố, mở rộng kênh rạch để tăng thể tích và tăng khả năng thoát nước. Nếu chỉ làm công thoát lớn mà đáy sông bằng hoặc cao hơn cống thì dòng chảy sẽ chậm, làm lắng bùn nghẹt cống".
Bàn về giải pháp, bạn đọc Capttrai phân tích: "Chỉ có một cách hữu hiệu nhất là xây các hồ điều hòa trong các công viên hay khu đất công cộng, hoặc tạo ra các con sông cạn để dẫn nước thoát nhanh ra sông rạch tự nhiên. Có như vậy mới mong thành phố không ngập và chấm dứt được vòng luẩn quẩn nâng đường hằng năm vẫn không hết ngập".
Việt Thành tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.