TP HCM sẽ hoàn thiện nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh trước ngày 30/4/2021 nhằm xử lý "rốn ngập" này, cụ thể nền đường sẽ được nâng cao độ từ 0,5-1,2 m tuỳ đoạn, bên cạnh việc tiếp tục thuê máy bơm 14,2 tỷ đồng mỗi năm. Đánh giá về giải pháp chống ngập này, nhiều độc giả VnExpress bày tỏ nghi ngại về tính khả thi:
Tin vui chỉ cho những người tham gia giao thông lướt qua con đường này. Còn các căn nhà dọc con đường này sẽ thành hồ bơi mỗi khi trời mưa. Đúng là cái vòng lẩn quẩn: nhà cao thì đường ngập và đường cao thì nhà ngập. Nói nôm na là chúng ta phải mãi mãi sống chung với ngập.
Nếu dự án kịp tiến độ thì khả năng thành công trong việc chống ngập cho mặt đường, sau khi nâng từ 0.5 - 1,2m là rất cao. Khả năng cao hơn nữa là các con hẻm trên trục đường này sẽ ngập sâu và lâu hơn nữa.
Nước mênh mông mà sử dụng máy bơm, nghe như bơm nước trong ao để bắt cá. Toàn đối phó, chẳng thấy xử lý căn cơ gốc rễ. Nghe nói nâng cấp lên tới 1,2m, sao tôi nghi, ngập nó chạy qua kế bên thì chắc lại bơm tiếp quá.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngay sát sông Sài Gòn, đã bỏ ra hơn 400 tỷ đồng nâng cấp rồi, mỗi năm vẫn phải bỏ tiếp ra 14 tỷ để thuê bơm nước ngập ra sông thì không triệt để.
Rồi nâng đường lên, đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập thì đường kế bên nó sẽ ngập đúng không? Vì nước sẽ dồn về đường thấp hơn.
>> Nâng mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh - 'dồn nước ngập vào nhà dân'
Trong khi đó, đề cập đến giải pháp căn cơ để xử lý triệt để tình trạng ngập úng tại khu vực này, không ít ý kiến cho rằng, vấn đề nằm ở hệ thống cống thoát nước và quy hoạch xây dựng:
Cộng hết từ kinh phí làm đường, bù lún từ khi đưa vào sử dụng và các khoản khác đoạn từ giáp Thảo Cầm Viên tới cầu Sài Gòn chắc cũng bằng kinh phí xây cầu cạn thời đó. Đây là vùng địa chất rất yếu bên dưới sau toàn túi bùn, túi khí, lại cấp phép xây dựng các khu cao tầng phía ngoài làm con đê chắn không cho thoát nước ra sông nên việc hết ngập chỉ có một giai đoạn hữu hạn thôi. Khi đường tiếp tục lún và cống lại cao hơn đường thì lại vẫn ngập.
Chống ngập phải làm hệ thống cống để thoát nước. Máy bơm chỉ là giải pháp tình thế. Nâng nền đường thì nhanh nhưng các hộ dân xung quanh lại nâng nền theo.
Khi hàng chục khối nhà cao tầng đặt một chỗ, với sức nặng khối lượng bê tông cốt thép khổng lồ, sẽ đè mặt đất cong xuống, khu vực xung quanh sẽ ngập toàn diện. Nhìn xa thì tưởng mặt đất là phẳng nhưng thực thế là vùng đất đó lõm xuống nên hỏi tại sao xưa không ngập mà giờ lại ngập. Tóm lại, còn lâu mới hết ngập trừ khi ngưng xây dựng và bồi thêm đất cát đồng bộ toàn khu vực lõm đó.
Sống ở Nhật mấy năm, tôi thoát được khói bụi Hà Nội, ngập lụt Sài Gòn. Bên đây cái cống rộng hơn nửa mét, làm dốc so với mặt một chút, mưa là trút hết vào. Cống sạch bong không rác, không túi bóng. Thỉnh thoảng chỉ có lá do gió thổi vào rồi người dân qua họ cũng nhấc lên hoặc công nhân môi trường dọn dẹp. Nhìn cái cống thoát nước to mà thích. Một phần nữa chắc khu tôi ở, sân nhà họ có khoảng trống, hạn chế đổ nhựa đường, họ trồng cỏ toàn sân, chỉ có lối đi vào thì đổ bê tông hoặc nhựa đường nên nước vẫn rút vào đất. Ở Việt Nam chỉ giải quyết phần ngọn, cái cốt lõi không giải quyết, khác nào gốc cây đang cần chăm bón nhưng chỉ nhìn vào cái lá sâu.
> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Thành Lê tổng hợp