Trận mưa trắng trời tại Hà Nội từ sáng 28/9, đúng giờ cao điểm buổi sáng khi người dân đổ ra đường đi làm đã gây ngập úng và ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến đường của thủ đô. Tôi đang sống và làm việc ở quận Hà Đông, chở con gái nhỏ đi học từ 6h45 rồi đi làm. Ra khỏi nhà khá sớm nhưng tôi đã thấy một số tuyến đường bị ngập nước và kẹt xe. Nhiều người đi xe máy phải leo lên vỉa hè để di chuyển, một số phương tiện do đi vào khu vực ngập sâu nên bị chết máy. Giao thông bị ùn tắc kéo dài.
Con gái lớn của tôi học ở Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ - Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng phải lội nước đến bắp chân để vào trường. Khuôn viên của Đại học Quốc gia Hà Nội quá trũng nên mỗi khi mưa to là ngập như sông. Học sinh, sinh viên phải xắn quần lên trên đầu gối để lội nước đi vào lớp.
Đồng nghiệp của tôi sống ở quận Hoàng Mai kể rằng nhiều tuyến phố ngập nặng khiến xe chết máy. Các tuyến phố hướng vào nội thành kẹt cứng trong mưa. Bạn tôi đi từ nhà đến cơ quan quan ở Hà Đông mất ba tiếng đồng hồ do tắc đường. Mưa to, ngập khắp nơi khiến giao thông rối loạn. Nhiều đồng nghiệp của tôi phải chôn chân giữa đường, gọi điện đến cơ quan xin đến muộn, hoặc nghỉ làm buổi sáng. Tôi may mắn đi làm sớm và nhà gần nên vẫn đến cơ quan đúng giờ.
Chuyện Hà Nội ngập vốn "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Nhưng sau hàng chục năm, cứ mỗi khi mưa lớn là nhiều khu vực của thủ đô lại ngập sâu và tắc đường. Nguyên nhân thì có rất nhiều: quy hoạch hệ thống thoát nước chậm so với quá trình đô thị hóa; vỉa hè, lòng đường đều bị bê tông hóa; các hồ điều hòa có chức năng tiêu thoát nước bị thu hẹp; hạ tầng giao thông không đồng bộ, yếu kém dẫn đến quá tải; lực lượng cảnh sát giao thông quá mỏng nên không thể điều tiết được hết các nút giao thông; sự biến đổi khí hậu do con người phá hoại môi trường; ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt, nhiều người còn coi thường pháp luật...
Bên cạnh yếu tố thời tiết, một số cơ quan, đơn vị của thành phố còn vào cuộc chưa quyết liệt, chưa sâu sát, dẫn đến hệ thống thoát nước của thành phố vẫn chưa được hoàn chỉnh. Việc đầu tư các công trình tiêu, thoát nước đô thị và nông thôn của thành phố theo quy hoạch còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
>> Cả xóm chịu ngập vì cái sân bê tông
Hà Nội là trái tim của cả nước, không thể để tình trạng cứ mưa lớn là gây ngập trở thành "đặc sản" như hiện nay. Nếu chúng ta chỉ biết kêu mà không quyết liệt thực hiện các giải pháp thì 10 năm sau người dân Thủ đô vẫn cứ sẽ khổ sở vì ngập lụt và tắc đường. Thiết nghĩ, nhiệm vụ này không của chỉ riêng ai mà là trách nhiệm chung của nhiều sở ban ngành cũng như người dân.
Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hà Nội phải nhanh chóng triển khai các biện pháp tích cực để dần dần khắc phục tình trạng ngập úng mỗi khi mưa, cụ thể như: đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố; kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị; kết hợp xử lý thoát nước với quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh.
Cần có sự điều chỉnh quy hoạch thoát nước sao cho phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả thành phố. Cần phải nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố, với tầm nhìn trong khoảng 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch cần được thực hiện nghiêm túc, tránh việc tùy tiện điều chỉnh cục bộ một khu vực dẫn đến phá vỡ tính tổng thể và thống nhất của hạ tầng.
Ngành xây dựng cũng phải có sự kiểm soát cốt nền trong các dự án xây dựng cũng như không có giải pháp về thoát nước đồng bộ khu vực. Ngoài ra, phải đầu tư thêm nhiều trạm bơm có tổng công suất lớn, đầu tư xây dựng, nâng cấp thêm nhiều hệ thống thoát nước mưa để tránh lượng mưa tập trung lớn ở đô thị trong thời gian ngắn. Đồng thời, sử dụng triệt để các khả năng lưu giữ và làm sạch của hệ thống sinh thái tự nhiên vào việc cải thiện chất lượng nước.
Bên cạnh đó, cũng cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đô thị theo quy hoạch và các dự án công viên cây xanh có hồ điều hòa, đã được phê duyệt trên địa bàn; đồng thời, nghiên cứu việc nạo vét các hồ nước trên địa bàn. Khi xây dựng phải thực hiện theo nguyên tắc không lấp hồ, ao hiện có để thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở, khu cụm công nghiệp...; đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư, địa phương xây dựng các khu công viên cây xanh có hồ điều hòa để tăng khả năng tiêu thoát nước đô thị khi xảy ra mưa lớn.
Ngành giao thông phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa giao thông, nhằm tạo thói quen cư xử có văn hóa, coi việc tự giác tuân thủ pháp luật để bảo vệ bản thân, những người đi đường bên cạnh và bảo đảm trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức của người tham gia giao thông. Nó cần nhất quán cho dù điều kiện thời tiết nắng hay mưa, tâm trạng con người thư thái hay vội vã, có cảnh sát giao thông trực chốt, hướng dẫn hay không.
Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội phải bố trí đủ nhân lực sẵn sàng phục vụ thoát nước mùa mưa; ứng trực tua vớt rác, mở ga tăng cường thu nước mỗi khi trời mưa; vận hành các trạm bơm nhằm đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu.
Người dân Hà Nội cần tự rèn luyện cho bản thân ý thức tốt khi tham gia giao thông. Dù mưa to, dù không có CSGT cũng vẫn phải tuân thủ pháp luật, không được vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, không được phóng nhanh, vượt ẩu. Nhiều người dân có ý thức tốt sẽ tạo được nét văn hóa tham gia giao thông. Tất cả người dân là những người trực tiếp xây dựng, duy trì nề nếp đó.
Bao giờ người tham gia giao thông cư xử có văn hóa, khi đó Hà Nội sẽ hết tắc đường. Không chỉ có ý thức khi tham gia giao thông, chúng ta còn phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ cây xanh và môi trường để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu. Ngày càng xảy ra nhiều mưa bão, hỏa hoạn, một phần nguyên nhân cũng là do chúng ta chưa biết trân trọng, yêu thương, bảo vệ môi trường sống xung quanh mình.
Ngập úng, tắc đường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống hằng ngày của người dân; làm hư hại các công trình hạ tầng kỹ thuật, ngừng trệ giao thông, gây ô nhiễm môi trường... Do đó, chúng ta phải có nhiều hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống. Chỉ mong trong thời gian tới, người dân thủ đô sẽ không còn bị ám ảnh, khổ sở bởi những trận mưa lớn gây ngập lụt, tắc đường khắp thành phố như trận mưa sáng nay và cũng không còn phải đặt câu hỏi: Bao giờ Hà Nội mới hết ngập nước và tắc đường?
Tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền đang làm việc tại Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam. Tác giả chia sẻ nhiều ý kiến về các khía cạnh trong xã hội.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.