Các tuyến phố ven Hồ Gươm như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch, Lê Lai, Lý Thái Tổ bị ngập sâu gần 50 cm chỉ sau hai giờ đồng hồ trong trận mưa chiều 17/8. Độc giả Hoan hugn cho rằng nguyên nhân nằm ở hệ thống cống thoát nước: "Theo tôi, nguyên nhân ngập do có nhiều miệng cống nối vuông góc với đường ống thoát nước chính. Để thoát nước, cần thiết kế các đường dẫn nước nối chéo với ống cống tổng nhằm tăng lực thoát nước. Cần hạn chế đầu nối vuông góc do dòng nước sau bị dòng trước chặn lại, dẫn đến nước thoát chậm, gây ngập".
Đồng quan điểm, bạn đọc Ledung nhận định: "Hệ thống thoát nước khu vực Hồ Gươm đã cũ kỹ, lỗi thời. Các công trình xây dựng ngày càng nhiều, bê tông hóa làm các dòng chảy tự nhiên bị chặn, dẫn đến tình trạng ngập lụt".
Trong khi đó, bạn đọc lại Trần Tiến Cường đánh giá nguyên nhân chính đến từ thực trạng xả rác thải bừa bãi: "Xả rác bịt hết cống là một tác nhân khiến nước không thoát kịp, gây ngập. Trên thế giới có rất nhiều nước họ thiết kế miệng cống vừa khả năng chặn rác nhưng vẫn đảm bảo lưu lượng nước thoát, chúng ta cần học tập".
>> Thu phí nước thải có chống được ngập TP HCM?
"Máng nước trên mái tôn nhà tôi bị một vỏ bim bim rớt trúng miệng ống thoát mà nước mưa cứ tràn qua cho dù máng rất to và mưa không lớn lắm. Như vậy, thoát nước kém chủ yếu do rác chặn miệng cống thoát nước, chứ mưa lần này thua xa năm 2008", độc giả Hoa Bui Mai nhận định.
Đề cập đến chất lượng của công tác thoát nước, bạn đọc Tuan.tccbld lại cho rằng đây mới là nguyên đẫn đến tình trạng ngập úng của thủ đô: "Quá trình tác nghiệp xử lý thoát nước càng ngày càng tệ. Giờ mưa ngập thì thành phố chỉ điều xe ra hút nước. Năm 2008, mưa lớn gây ngập nhưng thành phố điều tiết xả các van ra ngoài khu vực trung tâm Hà Nội, ra sông Đuống, sông Nhuệ nên khu vực trung tâm không bị ngập".
Không đồng tình với những quan điểm trên, độc giả Tranhaitung31k21dn khẳng định quá trình bê tông hóa mới là lý do chính dẫn tới tình trạng trung tâm ngày càng ngập nặng: "Vấn đề kiến trúc tổng thể của các thành phố có vấn đề. Nước ngập là do không thể rút được. Không rút được do bê tông hoá quá nhanh. Nơi nào không cần thiết thì không nên đổ bê tông nữa. Mỗi nhà bắt buộc phải có hầm điều tiết nước mái, điều tiết nhỏ giọt và tràn".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Việt Thành tổng hợp