Khu vực nhà tôi ở Sài Gòn, gần 50 năm nay chưa bao giờ ngập dù mưa to đến mức nào. Hệ thống cống chỗ đường nhà tôi có kích thước mỗi chiều tám mét, sâu 30 mét tính từ mặt đường nhựa, bốn hướng cửa cống dưới đáy cao bốn mét. Đây là hệ thống cống đã được xây dựng từ ngày xưa. Trong khi đó, các ống cống lắp đặt mới sau này, đường kính thường không quá hai mét. Thành phố lớn mà làm cống nhỏ, làm sao hết ngập? Công trình tốn kém hàng chục nghìn tỷ, nhưng xây xong ngập vẫn hoàn ngập.
Quy hoạch hệ thống ngầm ở mọi thành phố lớn trên thế giới luôn có hai tầng. Tầng trên để xây metro, các đường điện, nước, gas (nếu có), mạng viễn thông...Tầng dưới là hệ thống cống có hai chức năng: thoát nước từ bề mặt chảy xuống và trữ nước. Người ta tính toán lượng mưa lớn nhất có thể xảy ra trong 100 năm tới, phủ xuống diện tích tối đa là bao nhiêu km2, từ đó xây dựng cống trữ nước lớn bấy nhiêu. Cống trữ nước này không chung với hệ thống cống thải nước sinh hoạt. Nước ở đây có thể được bơm lên, lọc lắng rồi trở thành nước sinh hoạt, nước tưới tiêu cho các công viên. Hệ thống công viên này cũng góp phần không nhỏ trong việc giải tỏa nước mưa.
TP HCM có hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Hầm nằm dưới đáy sông nên phải là nơi thấp nhất. Nhưng dù mưa xuống hay triều cường, hầm gần như không ảnh hưởng gì. Trong khi những nơi cao hơn lại thường xuyên bị ngập. Rõ ràng, biện pháp chống ngập của ta có vấn đề.
Về mặt kỹ thuật chuyên môn, ngành thoát nước chống ngập do hai trường đại học đào tạo là đại học Thủy Lợi và đại học Giao thông Vận tải. Đại học Thủy Lợi chuyên dạy xây hồ trữ nước và đập ngăn nước, kênh dẫn nước, tưới nước và thoát nước phục vụ trong nông nghiệp và thủy điện. Đại học Giao thông Vận tải dạy xây cống ngầm trong đô thị. Những người tốt nghiệp ngành này khó làm cho công ty tư nhân. Ít có công ty nào bỏ ra một lượng vốn lớn để xây các công trình thoát nước mà không có biện pháp thu hồi vốn. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều cơ quan giao thông công chính tại các tỉnh lại thiếu những người chuyên môn về chống ngập.
Mặt khác, nếu ta có năng lực yếu kém về chống ngập, vậy vì sao không đấu thầu tư vấn thiết kế? Đây là câu hỏi lớn cần các cơ quan chức năng trả lời. Cứ loay hoay với những biện pháp chống ngập kém khả thi do không được phản biện đến nơi đến chốn thì bao giờ mới hết ngập?
Ở nước ngoài, người ta phải có biện pháp chống ngập trước, công khai trước công chúng để nhận phản biện, công khai chi phí dự trù để tính phí trên đầu người, sau đó sẽ thu phí. Vì thế, khi chưa có biện pháp chống ngập khả thi, cũng như chưa tính toán được kinh phí dự trù để thực hiện biện pháp đó, tốt nhất không nên thu phí.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Lâm