Sở Xây dựng TP HCM vừa có đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước năm 2020 với mức 1.430 đồng mỗi m3 để dùng vào đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước. Theo đó, giá dịch vụ thoát nước bình quân năm 2020 trên mỗi m3 là 1.430 đồng (chưa gồm thuế giá trị gia tăng); năm 2021 là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và có mức 4.237 đồng vào năm 2024.
Nói về đề xuất này, độc giả Hoàng Phạm chia sẻ quan điểm:
"Tôi không thể đồng ý được vì:
1. Trong khi tiền thu thuế của thành phố rất cao thì phần được giữ lại rất thấp, tiền này không đưa vào đầu tư hạ tầng, nên người dân phải sống trong cảnh ngập lụt rồi. Giờ thành phố lại muốn thu thêm tiền dịch vụ thoát nước nữa, tôi thấy không hợp lý.
2. Nên thay đổi suy nghĩ, chỉ thoát nước thải sinh hoạt vì cần qua xử lý, còn nước mưa trên mặt thì nên tìm cách trả lại cho đất bằng cách giảm bớt bê tông để cây xanh phát triển như các nước tiên tiến. Không nên bê tông hóa, ngăn nước ngấm xuống đất rồi lại tốn tiền xây cống rảnh đổ đi".
Đồng quan điểm, bạn đọc phân tích Linh Tran những điểm bất cập trong đề xuất của Sở Xây dựng TP HCM:
"Đề xuất có phần chưa rõ ràng và thiếu hợp lý:
1. Phải chứng minh số lượng nước thải ra bằng với số lượng nước tiêu thụ thì mới có căn cứ thu phí dựa theo hoá đơn tiền nước.
2. Phải đảm bảo số tiền thu được từ nước thải sẽ được đầu tư minh bạch vào hạ tầng thoát nước và cam kết thành phố sẽ không còn cảnh ngập úng. Nếu vẫn không hiệu quả ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Nếu thoả mãn được những vấn đề trên thì người dân chúng tôi sẵn sàng đóng thêm phí. Thành phố đã tốn rất nhiều tiền cho hệ thống chống ngập nhưng hiệu quả thì như đã thấy: chống cứ chống, ngập cứ ngập".
>> Vòng luẩn quẩn 'đường nâng, nhà ngập'
Nhấn mạnh sự thiếu khả thi của đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước, độc giả Huathanhlong2603 cho rằng:
"Đây có thể là một cách để tăng áp lực giá sinh hoạt trong nội đô nhằm kéo giãn ra ngoài thành, tuy nhiên dùng biện pháp thu vào mức nước tiêu thụ là không chính xác, không phù hợp. Xin dẫn chứng như sau:
1. Mỗi m3 nước, khi sử dụng, không hấp thụ, không bay hơi, sao vẫn tính đầu ra là một m3?
2. Chúng ta chống ngập chưa hiệu quả vì nguyên nhân chính là chúng ta chưa hiểu rõ môi trường. Bề mặt bịt kín, hàng triệu mét vuông nước mưa đổ vào cống rãnh, trong khi thoát nước tự nhiên qua bề mặt thì không được vì bê tông. Cần quy định rõ vào luật, mỗi căn nhà phải có bao nhiêu diện tích bề mặt sử dụng vật liệu hở để thoát nước, cấm dùng bê tông trám bề mặt.
3. Khẩn trương ngầm hóa lưới điện để phát triển lại cây xanh rộng rãi trong đô thị, giúp cải tạo môi trường".
"Trước khi thu phí nên xem xét nhiều mặt của một vấn đề. Đó là lượng nước tiêu thụ, lượng nước thải, lượng nước mưa, diện tích thoát nước, các giải pháp kỹ thuật, các tiêu chuẩn thoát nước đô thị, các hệ thống thoát nước hiện hữu, các hệ thống sông hồ... Nếu biện pháp xử lý tương đối hoàn hảo, người dân sẽ ủng hộ, còn nếu làm phiến diện thì chắc không ai vui được", bạn đọc la dieuquan nói thêm.
Nói về giải pháp giải quyết triệt để tình trạng ngập úng tại TP HCM, độc giả Tan nguyen chia sẻ quan điểm:
"Các đường cống xây dọc những con đường mục đích là dùng để thoát nước mưa nên thành phố không xây nhà máy xử lý nước thải, vì nước mưa vốn dĩ không gây ô nhiễm. Nhưng hiện nay chưa có đường ống thoát nước sinh hoạt tập trung nên nhiều hộ dân buộc phải xả thải trực tiếp vào cống thoát nước mưa gây ô nhiễm kênh rạch sông ngòi.
Nếu thành phố xây dựng hệ thống thoát và xử lý nước thải tập trung tách biệt hoàn toàn với các cống thoát mưa, lập hẳn một công ty thu phí để di trì hoạt động của nhà máy xử lý nước thải thì tôi thấy đó là ý tưởng quá tuyệt vời".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.