Tuần trước, bạn tôi ở Bình Dương có phàn nàn về chuyện ngập lụt. Anh bảo rằng bình thường cứ mưa lớn là xóm bị ngập, do cống nhỏ không thoát nước kịp, thế nhưng thời gian gần đây, tình trạng ngập ngày càng nặng hơn. Tìm hiểu nguyên nhân, anh biết được rằng khu đất (hơn 1.000 m2, có nhà nhỏ ở giữa) của người hàng xóm cuối hẻm đã được láng bê tông kín toàn bộ để làm gara đậu xe hơi. Nước bề mặt đổ dồn ra hệ thống mương chung vốn đã nhỏ và ít khơi thông, nay lại quá tải, khiến tình trạng ngập lụt trở nên tồi tệ.
Anh kể rằng họ đổ bê tông tươi trộn sẵn, phun và láng sân chỉ trong vòng chưa tới ba buổi tối (thi công ban đêm) là xong mà không hề có giải pháp thoát nước cục bộ riêng. Thông thường khi xin phép xây dựng, cơ quan quản lý chỉ cấp phép phần nhà và quan tâm việc cấp thoát nước cho phần lõi nhà, còn sân bên ngoài thì ít được quan tâm, thành ra mới xảy ra hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường và cư dân xung quanh như trường hợp của bạn tôi nói trên.
Cách đây không lâu tôi có đọc được một thông tin khá thú vị về việc "lách luật" thoát nước ở Mỹ với nội dung như thế này: "Nếu bạn mở quán ăn ở Florida, lô đất chỉ được đỗ 10 ôtô theo tiêu chuẩn, dù diện tích có thể chứa tới 50 xe? Vậy phải làm sao? Để tăng từ 10 lên 15 xe khá đơn giản, bạn chỉ cần không đổ bê tông, mà rải đá mi là được. Khi đó nước thoát kịp, chảy vào rãnh chứa và thẩm thấu xuống đất.
Để tăng lên 20 chỗ, bạn cần mở rộng rãnh chứa thành cái hồ cạn, chứa nước mưa, tính bình quân hai khối nước cho một xe. Hồ này có lỗ thoát tràn vào cống chính. Muốn tăng lên 30 xe, bạn phải đi thương lượng với cơ quan chức năng, chứng minh rằng khách của mình khoảng một phần ba là đi chung hoặc chia sẻ chung với bãi khác, hoặc là có bãi xe gần bên, thành phố đang sắp sửa mở rộng hệ thống thoát, cống... (với điều kiện thuyết phục được).
>> Lay lắt chống ngập cho Hà Nội
Vậy làm sao tăng được 50 xe? Bạn chỉ còn cách xây một cái hồ chứa nước và phải có hệ thống bơm vào hệ cống thoát của thành phố khi được lệnh (hoặc bơm dần ra hồ điều tiết - hồ cạn).
Hệ thống thoát nước toàn khu sẽ cục bộ đưa vào một cái ao to khoảng 2.000 - 3.000 m2 trong bán kính 1 km, để phục vụ tưới tiêu, thấm dần, cải thiện mạch nước ngầm, chống lún. Một phần nước còn lại sẽ đưa vào hệ thống kênh rạch tự nhiên, ra sông, hồ, biển. Theo cách này thì nước bẩn sẽ bị gạn ở lại trong các hồ điều tiết, hồ chứa, trước khi đi vào kênh rạch tự nhiên. Gần như cách tính theo nguyên tắc bê tông hoá bao nhiêu m2 thì có hồ chứa bấy nhiêu m2, và nước được quản lý đến từng giọt".
Tôi dẫn chứng như vậy để thấy rằng người Mỹ quản lý rất kỹ về việc bê tông hóa như thế mà còn ngập, huống hồ chúng ta. Bê tông là vật liệu rất phổ biến trong xây dựng hiện nay vì có nhiều tính ưu việt, tuy nhiên quá lạm dụng thì chúng sẽ trở thành "kẻ thù" đối với môi trường, cảnh quan. Việc ngập lụt đô thị có rất nhiều nguyên nhân như biến đổi khí hậu, phá rừng, đào bới đất núi đồi gây sạt lở và san lấp thiếu kiểm soát những vùng thấp trũng, ao hồ khiến nước mưa không còn chổ chứa... và đặc biệt là việc phủ bê tông bề mặt thiếu khoa học khiến nước không thấm được xuống đất.
Ngày nay, chống ngập lụt vẫn đang là câu chuyện dài và nan giải, chúng ta ít hay nhiều đều phải sống chung với nó. Nhưng nếu có những giải pháp hợp lý và căn cơ như đã nói ở trên thì tôi tin sẽ giảm thiểu rất nhiều những tác hại do ngập lụt gây nên cho con người.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.