Đây là lần mang thai thứ hai của chị Thảo, lần trước sinh mổ. Lần này chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám thai ở tuần 26, được chẩn đoán nhau tiền đạo, gai nhau bám vào vết mổ cũ. BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết đây là biến chứng thường xảy ra ở phụ nữ từng sinh mổ. Bình thường khi sinh, bánh nhau tự động tách khỏi thành tử cung và đẩy ra ngoài. Trường hợp bị nhau cài răng lược, bánh nhau bám vào sẹo mổ cũ không thể tự tách ra và nếu bóc bằng tay gây chảy máu nghiêm trọng.
Tai biến sản khoa này chia làm ba thể loại dựa vào mức độ xâm nhập của gai nhau. Nhau cài răng lược thể accreta có gai nhau bám trực tiếp lên bề mặt cơ tử cung chiếm 79% trường hợp. Thể increta gai nhau bám sâu vào trong cơ tử cung (14% trường hợp), cuối cùng là thể percreta gai nhau xuyên qua lớp cơ tử cung, xâm lấn qua các cơ quan lân cận (7% trường hợp).
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, khoảng trước đây, thai phụ khi bị nhau tiền đạo và nhau cài răng lược mất rất nhiều máu, trong vòng 5-10 phút nếu không cấp cứu tốt người mẹ có nguy cơ ngưng tim. Do đó, bác sĩ thường phẫu thuật cắt tử cung để giảm chảy máu, bảo vệ tính mạng người mẹ. Ngày nay, nhờ điều kiện y tế phát triển và kỹ thuật điều trị hiện đại, thai phụ được cấp cứu kịp thời và phù hợp, giữ mạng sống cả mẹ lẫn con và giúp người mẹ bảo tồn tử cung.
Như chị Thảo, bánh nhau cài răng lược thuộc thể increta, có nguy cơ bị xuất huyết, băng huyết, sinh non. Đến tuần thai 36, bác sĩ quyết định mổ lấy thai. Êkíp chuẩn bị máu đề phòng trường hợp thai phụ mất máu cấp khi sinh mổ.
Bác sĩ Mỹ Nhi sử dụng kỹ thuật khâu ép tử cung B-Lynch cải tiến (B-Lynch ngang). Đây là mũi may bằng chỉ tự tay giúp cầm máu tốt, bảo tồn chức năng sinh sản cho người phụ nữ, tỷ lệ thành công cầm máu khoảng 89-100% tại vùng nhau bám. Nhờ đó, chị Thảo chỉ mất 400 ml máu, không phải truyền thêm máu trong lúc mổ. Sau khi kiểm soát chảy máu, bác sĩ tiếp tục kiểm tra thắt động mạch tử cung, bánh nhau không ăn thủng bàng quang và cơ quan lân cận, mới đóng vết mổ cơ tử cung, bảo tồn thành công tử cung. Bé gái chào đời vẫn còn nguyên bọc ối nặng 2,7 kg.

Êkíp mổ lấy thai và khâu B-Lynch cải tiến, giúp chị Thảo bảo tồn khả năng sinh sản. Ảnh: Thanh Luận
Nhau cài răng lược là nguyên nhân gây băng huyết sau sinh, rối loạn đông máu, có thể khiến người mẹ tử vong. Bệnh thường gặp ở nhóm sản phụ có vết sẹo trên tử cung do mổ lấy thai hoặc có phẫu thuật trên tử cung. Tỷ lệ thai phụ gặp biến chứng này tăng tại Việt Nam, một phần nguyên nhân từ tỷ lệ sinh mổ tăng. Để phòng bệnh, phụ nữ chỉ nên sinh mổ khi có chỉ định y khoa.
Nhau cài răng lược thường đi kèm với nhau tiền đạo, thường ít gây xuất huyết âm đạo trong các tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên thai phụ có thể có những đợt chảy máu từ ít tới nhiều vào các tháng cuối thai kỳ. Do đó, thai phụ từng mổ lấy thai nên lưu ý siêu âm kiểm tra định kỳ. Các phương tiện siêu âm hiện đại có thể hỗ trợ chẩn đoán sớm tình trạng nhau cài răng lược, từ đó bác sĩ lên kế hoạch kéo dài thai kỳ, phẫu thuật, bảo tồn tử cung, ít phải truyền máu.
Tuệ Diễm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |