Hành trình 32 tuần giữ thai
Chị Nguyễn Hồng Yên (41 tuổi, TP HCM) đang điều trị ung thư tuyến giáp thì mang thai. Trước đó, chị tưởng đã không còn khả năng sinh nở, kinh nguyệt mất kiểm soát, mỗi năm chỉ có 1-2 lần. Một ngày, chị thấy bụng to kỳ lạ khi nằm xuống, lo sợ vì có một bướu ung thư khác trong bụng xuất hiện, hai vợ chồng đi kiểm tra sức khỏe và bất ngờ biết tin mang thai khoảng hơn 20 tuần.
Lo lắng sức khỏe vì đang điều trị ung thư, vợ chồng chị đã tính đến chuyện ngừng thai kỳ. Khi đến gặp bác sĩ sản khoa để tư vấn, nỗi lo tăng lên gấp bội khi biết chị có nguy cơ cao biến chứng thai kỳ cao, thậm chí có thể tử vong, nếu cố ngừng lại thai kỳ bằng cách gây sẩy thai to hay sinh non.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cùng êkip thực hiện ca mổ bắt thai cho sản phụ. Ảnh: Phong Lan.
Quá trình mang thai của chị Yên lại đặc biệt vất vả khi cùng lúc mắc thêm ba bệnh lý nguy hiểm gồm tăng huyết áp mạn tính, đái tháo đường thai kỳ, u xơ tử cung. Không chỉ thai nhi có nguy cơ cao mang các bệnh về nhiễm sắc thể mà tính mạng cả hai mẹ con cũng bị đe dọa suốt thai kỳ.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ngay khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên của biến chứng thai kỳ phức tạp, êkip bác sĩ đã có lộ trình điều trị toàn diện, phối hợp nhiều chuyên khoa để giữ được con cho sản phụ từ tuần thai thứ 18 theo nguyện vọng và quyết tâm của người mẹ.
"Thách thức của ca này không chỉ ở việc phải sẵn sàng hồi sức cấp cứu cho thai nhi sinh non ngay khi chào đời mà còn phải kiểm soát, xử trí đồng thời nguy cơ biến chứng phức tạp của thai phụ", bác sĩ Mỹ Nhi nói.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, tình trạng tăng huyết áp trước tuần 20 có thể khiến thai nhi bị giới hạn tăng trưởng, còi cọc kèm nguy cơ sinh non; mẹ có nguy cơ bị xuất huyết não, tai biến mạch máu não, đột quỵ và mất tim thai. Chưa kể tình trạng đường huyết của sản phụ lên xuống thất thường. Khi 25 tuần 5 ngày, thai nhi mất hết sóng tâm trương, dấu hiệu của chậm tăng trưởng nặng, thai có thể chết lưu trong bụng mẹ. Bác sĩ sản khoa phải hội chẩn khẩn cấp cùng các chuyên gia sơ sinh, lên phương án sẵn sàng mổ bắt thai, chuẩn bị hỗ trợ phổi, thuốc bảo vệ não thai nhi trước khi mổ.

Bé nằm trong lồng ấp dưới sự theo dõi của các bác sĩ. Ảnh: Phong Lan.
Trong thai kỳ, thai phụ các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, nội tiết và ung bướu theo dõi thường xuyên về: huyết áp, chỉ số tuyến giáp, tình hình phát triển của bướu lành tính và ác tính. Bác sĩ dinh dưỡng cũng kiểm soát chặt chế độ ăn uống để vừa kiểm soát đái tháo đường, vừa đảm bảo đủ dưỡng chất cho mẹ và con.
Với sự theo dõi sát sao của các bác sĩ và sự quyết tâm của thai phụ, thai nhi được giữ an toàn trong bụng mẹ đến 32 tuần.
Hồi sức sơ sinh ngay trên bụng mẹ
Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định cho sản phụ sinh mổ ở tuần thai thứ 32 để tránh các nguy cơ có thể xảy ra cho mẹ và bé. Sau 7 phút mổ lấy thai, bé trai chào đời với cân nặng 1.340 gram, tím tái, suy hô hấp.
Em bé ngay lập tức được hồi sức sơ sinh trên bụng mẹ khi dây rốn vẫn còn đập để ổn định tuần hoàn, mạch, huyết áp... Bác sĩ cũng kiểm soát ổn định về hô hấp, tri giác và sinh hiệu, kịp thời phòng ngừa biến chứng sinh non.
Sau đó, bé được ổn định thân nhiệt bằng giường sưởi, túi giữ ấm, hỗ trợ hô hấp với không khí áp lực dương để phổi nở. Trẻ được cắt rốn chậm để cung cấp thêm lượng máu vào cơ thể, giúp giảm tỷ lệ truyền máu và xuất huyết não sau sinh, ổn định tuần hoàn.
Em bé được nằm lồng ấp chuyển về đơn vị hồi sức tăng cường của Trung tâm Sơ sinh ngay trong bệnh viện. Suốt quá trình di chuyển, bác sĩ giữ phải ấm và cung cấp không khí hỗ trợ hô hấp, theo dõi nồng độ bão hòa oxy trong máu, theo dõi nhịp tim, điều chỉnh lượng oxy phù hợp cho trẻ, tránh tình trạng thiếu hoặc thừa oxy gây ra biến chứng ảnh hưởng về sau.
Sau 3 tuần điều trị, cân nặng của bé đạt 1.900 gram, sức khỏe ổn định, có thể tự bú mẹ, giữ thân nhiệt ổn định, tự thở, không có những cơn ngưng thở hay tím tái và được xuất viện. Các kết quả xét nghiệm và siêu âm cho thấy các chỉ số của em bé đều bình thường như những em bé sơ sinh khác.

Sau 3 tuần, bé trai đạt cân nặng 1.900 gram, sức khỏe ổn định, có thể cùng chị Yên xuất viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi khuyến cáo, thai phụ có bệnh nền nguy cơ cao nên theo dõi thai ở các cơ sở y tế có sự phối hợp giữa các chuyên gia sản phụ khoa - sơ sinh, nội tổng quát, gây mê hồi sức... để được theo dõi, đảm bảo sức khỏe mẹ, giữ thai nhi khỏe mạnh, chào đời an toàn. Điều quan trọng nữa là, môi trường chăm sóc trẻ sinh non và cực non phải đảm bảo nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn vì sức đề kháng của trẻ sinh non rất kém, dễ nhiễm khuẩn từ bên ngoài.
Trung tâm Sản Phụ khoa và Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM quy tụ đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao trong theo dõi biến chứng thai kỳ, điều trị tai biến sản khoa; hồi sức; chăm sóc, theo dõi, đánh giá trẻ sinh non...
Tên nhân vật đã được thay đổi
Ngọc An
Tình hình Covid-19 có thể khiến nhiều bệnh nhân trì hoãn lịch khám bệnh, bệnh diễn tiến nặng. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thực hiện khám, tư vấn sức khỏe online, giải đáp thắc mắc của bệnh nhân thông qua chương trình "Phòng khám online" vào 14h các buổi chiều hàng tuần.
Xem thêm chương trình "Phòng khám online" và đăng ký "khám online" miễn phí với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại đây. Liên hệ tổng đài 0287 102 6789 (TP HCM) hoặc 1800 6858 (Hà Nội) để được tư vấn và đặt lịch thăm khám bệnh.
Địa chỉ Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên.
Địa chỉ TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình.
Fanpage: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh