Trước mỗi kỳ thi vào lớp 10, câu chuyện giáo viên hù dọa, ngăn cản học sinh thi lớp 10 công lập để đảm bảo thành tích của tập thể lại "nóng" lên trên các diễn đàn, báo chí. Tôi cũng là một phụ huynh, từng trải qua trường hợp tương tự nên rất đồng cảm với nỗi bức xúc của các vị phụ huynh.
Năm trước, con tôi cũng thi vào lớp 10 ở TP HCM và cũng bị giáo viên chủ nhiệm tư vấn "chỉ nên chọn các trường 17-19 điểm". Trong khi đó, sức học của con tôi tương đối ổn. Bản thân tôi cũng thấy con rất tự tin với khả năng của mình. Thế nên, chúng tôi thống nhất cho con đăng ký thi vào một trường THPT công lập gần nhà, điểm chuẩn năm trước đó là 22 điểm.
Năm đó, hầu hết điểm thi vào lớp 10 của học sinh TP HCM đều tăng hơn so với dự kiến, kéo theo điểm chuẩn toàn thành phố của các trường top đầu cũng tăng theo. Lý do một phần đến từ đề thi môn Tiếng Anh tương đối dễ. Nhưng dễ người thì dễ ta, con tôi cũng đạt 9,75 điểm cho môn này - cao hơn tất cả các bài thi và kiểm tra trong năm.
Ở trường của con tôi, cứ sau mỗi đợt thi giữa kỳ, thi cuối kỳ, nhà trường đều tổng hợp điểm ba môn Toán, Văn, Anh để có sự "tư vấn" cụ thể cho phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn đăng ký thi tuyển vào lớp 10. Công thức chung của các thầy, cô là: điểm thi học kỳ (hoặc thi thử) trừ đi 3, kết quả được bao nhiêu thì đối chiếu với điểm chuẩn năm trước để cân nhắc. Thậm chí, có giáo viên còn "cẩn thận" đến mức thì trừ hao đi hẳn 4-5 điểm cho chắc chắn đỗ.
>> Giáo viên hù dọa để con tôi chọn thi lớp 10 trường top dưới
Bản thân tôi biết rõ sức học của con mình ở mức nào? Tất nhiên, điểm tổng ba môn trên của con không ổn định, nhưng cũng chỉ loanh quanh mức 23-25 điểm. Vậy mà giáo viên chủ nhiệm tư vấn cho con đăng ký thi trường lấy điểm chuẩn chỉ 20 trở xuống thì liệu có hợp lý?
Cuối cùng, tôi và quyết định không nghe theo tư vấn của giáo viên mà vẫn đăng ký theo nguyện vọng ban đầu của mình. Kết quả, con tôi đạt 25,75 điểm, dư điểm vào trường đã chọn và cả các trường top đầu của thành phố. Nói chung, quan điểm của tôi là ủng hộ con tự tin vào sức học, tự tin chọn nguyện vọng theo mong muốn của mình. Còn những ý kiến tư vấn của thầy cô cũng chỉ mang tính tham khảo.
Nhiều người nói tôi làm vậy là "vô tình gây áp lực học hành, thi cử cho con cái". Tuy nhiên, tôi nghĩ như vậy: Áp lực là thứ mà ai cũng phải chấp nhận và tìm cách vượt qua. Chúng ta đi làm lấy lương hay tự trả lương cho mình thì cũng phải chịu áp lực công việc. Tuổi trẻ lại càng phải rèn luyện với áp lực để có bản lĩnh và dần trưởng thành.
Tôi là người thích áp lực, không thích bình lặng, nên tôi muốn con mình cũng vậy - không yếu đuối, đụng chút chuyện cũng phải đi "chữa lành". Áp lực vừa phải, vừa sức sẽ làm cuộc sống của chúng ta đỡ nhàm chán hơn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Thi tốt nghiệp THPT không áp lực bằng tuyển sinh lớp 10'
- Nghịch lý 'thi vào 10 trượt lắm, thi đại học đỗ nhiều'
- Nặng nề tư tưởng phải đỗ lớp 10 công lập
- Tranh suất vào lớp 10 công lập vì sợ con hư
- 'Rối não' lựa chọn môn tổ hợp lớp 10
- 'Bài thi tổ hợp thay cho môn thi thứ tư vào lớp 10'