"Tôi là một phụ huynh có con học lớp 9, cũng đang trong tình trạng stress về vấn đề chọn trường cấp ba cho con. Nguyện vọng của con tôi là thi vào trường top 1 của thành phố. Tính điểm thi khảo sát trên toàn thành phố năm nay thì con đủ khả năng đi đỗ. Tuy nhiên, nếu so điểm khảo sát hàng tháng với điểm chuẩn năm ngoái thì con tôi còn chưa đạt.
Nhưng vấn đề là nhà trường và GVCN cứ dựa trên so sánh điểm chuẩn năm ngoái mà định hướng cho học sinh, rồi nói các cháu không nên thi trường top đầu vì sẽ phải cố đến 200%... Những lời như vậy khiến học sinh dần nản chí.
Tôi thực sự trăn trở rất nhiều. Làm mẹ nên tôi cũng không dám mạo hiểm để con thi trường top 1 rồi nhỡ không đỗ lại phải ra dân lập. Trong khi nếu con thi trường top 2 thì gần như không phải lo nghĩ gì cả. Nhưng đây là nguyện vọng của con, và cũng có phần nào mong muốn của tôi là con thi được vào trường top 1 - nơi có môi trường học thực sự tốt. Tôi nên làm gì?".
Đó là chia sẻ của độc giả Linh Lan về tình trạng một số trường và giáo viên ngăn cản học sinh thi lớp 10 công lập để đảm bảo thành tích của tập thể. Nghi vấn "ép" học sinh kém bỏ thi lớp 10 công lập tồn tại nhiều năm qua, song các trường đều phủ nhận, cho rằng chỉ tư vấn, định hướng. Trong khi đó, ngành giáo dục khẳng định không có chủ trương trên và ngăn cấm trường học vận động học sinh không thi lớp 10.
Cùng chung nỗi bức xúc khi bị giáo viên tác động tâm lý trước kỳ thi vào 10 công lập, bạn đọc Mai trăn trở: "Khi nhìn thấy đơn nháp nguyện vọng vào lớp 10 của con tôi, cô giáo đã khuyên can con 'không nên để nguyện vọng cao thế vì học lực trung bình'. Đến buổi họp phụ huynh để điền đơn chính thức, lúc tôi đặt bút viết vào đơn đăng ký theo nguyện vọng của con, cô giáo vội vàng bảo tôi từ từ: 'Chờ chị nói chuyện đã'.
Sau khi nghe cô khuyên 'chỉ nên ghi nguyện vọng 1, 2 vào các trường ở mức 35 điểm thôi', nhưng thấy toàn trường cách nhà tới 15 km, tôi bảo cô: "Thôi chị ạ, em cứ đăng ký cho con mấy trường gần nhà thôi". Rồi con tôi cũng đỗ nguyện vọng 1 trường điểm, ngay gần nhà. Thực tế, các giáo viên bây giờ cũng chịu nhiều áp lực thành tích nên liên tục gây áp lực ngược lại lên học sinh và phụ huynh, nên các bậc cha mẹ phải tự tìm cách thôi".
"Tôi (và cả các bạn trong lớp) cũng đều được cô giáo chủ nhiệm tư vấn thi những trường top dưới với lý do chúng tôi không đủ sức và để đảm bảo tỷ lệ đỗ đại học cao hơn. Mặc dù điểm thi thử và kết quả ôn luyện của tôi đều đạt top 10 của trường trở lên. Và kết quả thi đại học điểm của tôi cao nhất khối A của trường năm đó và đủ điểm đỗ tất cả các khoa thi của bất kỳ trường đại học nào. May mắn tôi đã không nghe lời cô tư vấn chọn trường.
Giờ thì câu chuyện giáo viên can thiệp vào quyết định của học sinh đã có ở kỳ thi vào 10. Đó là căn bệnh thành tích của nhà trường và giáo viên, làm mất đi mơ ước và cơ hội học trường tốt với các học sinh", độc giả Kim Canh nói thêm.
>> 'Giáo viên ra sức ngăn con tôi thi vào lớp 10 trường top'
Không trực tiếp bị giáo viên ép buộc chọn trường để thi nhưng bạn đọc Minhkt lại có con bị tư vấn theo kiểu hù dọa: "Con tôi năm nay cũng đăng ký thi lên lớp 10, ít nhiều tôi cũng cảm thấy thực trạng giống với các bạn ở trên. Mặc dù không có sự ép buộc nhưng việc tư vấn của giáo viên lại mang tính chất hù dọa rất cao đối với học trò, cốt yếu để các em chọn đăng ký vào những trường công lập thấp điểm, có khả năng đậu cao nhất có thể.
Điều này xét ở góc độ nào đó là đúng đắn, nhưng theo tôi, khi các con có 2-3 nguyện vọng để lựa chọn thì tại sao không để các cháu thử sức ở nguyện vọng 1 với với các trường top trên, có khả năng đậu thấp hơn một chút, thậm chí 50/50. Những nguyện vọng sau có thể ưu tiên chọn trường có khả năng đậu cao hơn. Như vậy, vừa đảm bảo con đậu vào công lập mà vẫn cho các con cơ hội được phấn đấu, cố gắng để đậu vào trường học mơ ước của chúng".
Nói về câu chuyện hướng nghiệp cho học sinh, độc giả Tuan nhấn mạnh: "Đã là hướng nghiệp thì cần một đơn vị chuyên trách tư vấn, giáo dục kỹ năng cho các em tự khám phá năng lực bản thân, sở thích, nhu cầu xã hội và tài chính gia đình, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai các em.
Nhưng vấn đề ở đây là các trường tại Việt Nam chỉ để thầy, cô trực tiếp hướng nghiệp. Trong khi đó, tôi quan sát thấy, các giáo viên (dù nắm được khả năng học tập của học sinh) nhưng lại không có đủ kỹ năng hướng nghiệp công tâm cho các em, mà bị ảnh hưởng bởi định kiến cá nhân và áp lực thành tích. Những điều này dẫn đến hậu quả như mọi người vẫn thấy".
Đề xuất giải pháp ngăn chặn tình trạng cấm cản học sinh thi lớp 10 công lập, bạn đọc Ối giời ơi gợi ý: "Theo tôi, cách giải quyết rất đơn giản, đó là cho phép học sinh nộp đơn nguyện vọng thẳng lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông qua một quy trình kín, chỉ dùng mã số học sinh thay vì ghi rõ tên, tuổi, trường, lớp.
Với cách này, giáo viên sẽ chỉ được tham khảo danh sách khi nộp đơn, chứ không có quyền xem chi tiết xem học sinh nào đăng ký thi trường gì để can thiệp. Nhà trường và giáo viên lúc đó sẽ có thể tập trung vào việc chính của mình, đó là thực sự nâng cao chất lượng giảng dạy nếu muốn nâng cao thành tích, thay vì can thiệp vào những quyết định thi cử của học sinh".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Nghịch lý 'thi vào 10 trượt lắm, thi đại học đỗ nhiều'
- 'Bài thi tổ hợp thay cho môn thi thứ tư vào lớp 10'
- Nặng nề tư tưởng phải đỗ lớp 10 công lập
- Tranh suất vào lớp 10 công lập vì sợ con hư
- 'Chọn môn tổ hợp lớp 10 như trò chơi may rủi'
- 'Rối não' lựa chọn môn tổ hợp lớp 10