Từ câu chuyện cải cách giáo dục thất bại của Nhật Bản, nhiều độc giả VnExpress liên hệ tới giáo dục Việt Nam khi hướng tới nền "giáo dục hạnh phúc":
Giáo dục phải xác định học là chính chứ không phải chơi là chính, phải học tập mới trở thành người giỏi, có ích cho bản thân và xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cần tùy lứa tuổi mà xác định cho học sinh học cái gì, học như thế nào và làm sao để học được, mục đích đi học cụ thể từng lứa tuổi, từng lớp là gì? Suy cho cùng, chơi cũng là học, cũng là để phát triển mà thôi. Do vậy, cần phải xây dựng cách học mà chơi, chơi mà học trong giáo dục. Học trước hết để trở thành công dân tốt, người có ích cho bản thân và xã hội, để khám phá và sáng tạo tự chủ, hiểu được quy luật xung quanh, để từ đó sau này các em có thể suy nghĩ và hành động sáng tạo, độc lập, có tư duy, không phải học vẹt, học thuộc lòng, phải nói đúng theo lời thầy cô... Nhà trường không được xem giáo dục như là công ty kinh doanh khai thác lợi nhuận, vì không phải ai cũng có điều kiện kinh tế giống nhau.
Khi định nghĩa không đúng về giáo dục hạnh phúc, việc triển khai gặp thất bại là điều tất nhiên. Ví dụ, tôi từng chứng kiến trong một cuộc thảo luận về giáo dục hạnh phúc tại một trường tiểu học, một cán bộ lãnh đạo của trường rất hào hứng chia sẻ và nói Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng phát động phong trào "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Chúng tôi hiểu ra rằng, rất nhiều người vẫn còn lẫn lộn "hạnh phúc" và "niềm vui". Trong niềm vui, nếu lắng đọng lại, ta sẽ có hạnh phúc. Trong đau khổ, nếu thấu hiểu và chuyển hóa, ta cũng tìm được sự bình an và hạnh phúc. Hạnh phúc đã được coi như là một kỹ năng, mà đã là kỹ năng thì cần phải tập luyện, phải kiên trì. vượt qua khó khăn, thử thách, không kiêu ngạo khi thành công, đồng cảm, nhân ái (từ bi)... là những việc cần phải học tập rèn luyện để có đủ khả năng thành người hạnh phúc.
>> 'Nên giảm 50% khối lượng kiến thức cho học sinh tiểu học'
Hạnh phúc là liên tục chinh phục khó khăn, thử thách ngay từ mới sinh ra. Những đưa trẻ lớn lên trong bao bọc, nuông chiều sẽ không có mục đích sống, dễ chán nản và bất hạnh. Thực tế ở Việt Nam cũng đã chứng minh rất rõ, thế hệ đời đầu 8X về trước có sự khác biệt rất lớn về suy nghĩ, tư duy và tình cảm với những người xung quanh so với thế hệ 10X sau này.
Giáo dục hạnh phúc không phải là cắt giảm nội dung dạy học và không chú trọng điểm số, mà là giáo dục như thế nào để trẻ tự tin và vui vẻ đi học. Học mà vui, vui mà học, chứ không phải thả lỏng không học gì hết. Nói chung, nội dung giáo dục không thay đổi hay cắt giảm, nhưng phương pháp giáo dục thì phải khác. Phương pháp giáo dục sai lầm là do hiểu sai lý thuyết về giáo dục hạnh phúc.
Ở cấp một, trẻ cứ vừa chơi vừa học mà theo kiểu thả lỏng rồi lên cấp học sau mới siết lại thì liệu có nguy hại? Hình thành tính cách là một quá trình, trong đó quãng thời gian đầu đời là vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là mang tính quyết định. Nếu trẻ học cấp một đã được thả lỏng thì khả năng lên các cấp học sau, chúng sẽ không đạt như kỳ vọng. Cho nên, muốn các cháu học tốt, tôi nghĩ phải quan tâm ngay từ khi chúng chưa đi học. Tất nhiên, quan tâm phải tùy theo lứa tuổi, đặc điểm của trẻ, thực tế cuộc sống... để hướng dẫn và tạo đam mê cho trẻ chứ không phải chờ lớn rồi mới bất đầu.
>> Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Gửi bàitại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.