(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc và miền Trung đang trong những ngày tháng 6 nóng nực nhất trong hàng chục năm qua. Nhiệt độ cao nhất trong ngày luôn đạt ngưỡng nắng nóng và nắng nóng gay gắt, từ 36-39 độ C. Cả tháng này (tính đến hiện tại) chỉ có 1-2 ngày thời tiết dịu mát hơn và nhiệt độ dưới ngưỡng 35 độ C. Ở một số địa phương vùng núi của miền Trung, nhiệt độ còn lên trên 40 độ. Tại Hà Nội, đô thị lớn với mật độ dân cư đông đúc, nhiệt độ thực tế ngoài trời, bề mặt đường nhựa lên tới 50-60 độ C do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Cảm giác nóng hầm hập, thiêu đốt bủa vây bất cứ ai ra đường trong khoảng thời gian từ 11-15 giờ.
Nắng nóng kéo dài như vậy nhưng thực tế, học sinh vẫn phải đi học trong hè. Bởi lẽ các cháu đã phải nghỉ học ở trường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 do tác động của đại dịch Covid-19, và tất nhiên không phải ai cũng có điều kiện để dạy và học trực tuyến. Cho nên, phần nhiều các trường đã phải kéo dài năm học đến ngày 15/7 theo lịch thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Toàn ngành đã thực hiện tinh giản chương trình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh hoàn thành nội dung giáo dục năm học.
Ấy vậy mà tôi vẫn thấy nhiều học sinh, lớp nhỏ có, lớp lớn có, buổi trưa vẫn phải ra về và chiều lại lóc cóc đến trường giữa thời điểm nắng và nóng nhất trong ngày. Không phải tất cả các em đều có áo chống nắng, không phải trường nào cũng có điều hoà hay thiết bị làm mát. Tôi thương các cháu, năm nay đại dịch ập đến bất ngờ, kỳ nghỉ hè bị cắt giảm, còn kỳ nghỉ vì dịch bệnh thì thực tế giãn cách xã hội. Thời tiết khi đó không cho phép các cháu được vui chơi, giải trí ngoài trời, học kỹ năng sống, văn hoá văn nghệ hay về quê thăm ông bà, mà các cháu phải học trực tuyến, học online, làm bạn với các thiết bị điện tử...
Do thời tiết nắng nóng gay gắt, một số tỉnh thành như ở Vĩnh Phúc, đã yêu cầu các nhà trường không tổ chức dạy học buổi chiều (trừ học sinh lớp 9 và 12 do phải ôn thi chuyển cấp). Một số nhà trường còn không yêu cầu học sinh phải mặc đồng phục hay đi giày dép đàng hoàng. Ngoài ra họ còn tổ chức các bữa ăn phụ lúc 14h (thời điểm nắng nhất trong ngày) để tiếp nạp năng lượng cho học sinh. Và đó là những việc làm thiết thực, tạo cho học sinh môi trường và tâm thế học tập tốt nhất, khi các cháu phải đi học trong tiết trời nắng nóng.
Thời tiết nắng nóng kéo dài như vậy, một phần do chúng ta chịu tác động của pha nóng (hiện tượng El Nino), đã kéo dài từ cuối năm 2018 cho đến đầu năm nay, và mới chuyển sang trạng thái trung tính nghiêng về pha lạnh. Vì lẽ đó mà năm 2019 vừa qua, nắng nóng kéo dài kỷ lục, đặc biệt ở miền Trung. Vắt sang đến đầu năm nay, thời tiết cực đoan vẫn tiếp tục diễn ra, như mưa đá và rét đậm diện rộng ở phía Bắc ngay trong những ngày Tết Nguyên đán. Nhưng các tháng chính đông lại ấm hơn trung bình, sang tháng 4 lại đột ngột rét lạnh bất thường và sau đó là nắng nóng kéo dài với liên tiếp các kỷ lục bị xô đổ.
Theo dự báo của các cơ quan khí tượng trên thế giới, trong các tháng cuối năm 2020, nhiệt độ bề mặt nước biển vùng xích đạo Thái Bình Dương (Nino 3.4) tiếp tục giảm, duy trì trạng thái trung tính nghiêng về lạnh và rất có thể đến cuối năm sẽ chuyển sang trạng thái La Nina (pha lạnh). Do có sự chuyển pha ENSO, tác động của pha lạnh, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương nhận định, khí hậu có sự thay đổi đáng kể, mưa, bão có khả năng gia tăng hơn từ mùa Thu năm nay (khoảng từ tháng 9-12/2020), với 5-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào nước ta và tập trung nhiều ở Trung Bộ và phía Nam. Các đợt nắng nóng vẫn còn duy trì trong tháng 7 và 8 năm 2020 với nền nhiệt độ trung bình cao hơn so với mức trung bình nhiều năm.
>> 'Học đêm học ngày' có thành tài?
Nắng nóng qua đi thì mưa bão sẽ lại ập đến, đó là những cái khổ của người dân miền Bắc cũng như khúc ruột miền Trung yêu dấu. Năm nay thời tiết đã thất thường, dự báo hè nóng, thu sang mưa lắm bão nhiều. Thế nhưng, các cháu học sinh chỉ được nghỉ hè trong thời gian ngắn ngủi rồi lại phải đến trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự định dời ngày tựu trường sang ngày 1/9, và tôi thấy Bộ cũng đã cố gắng hết mức có thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cháu rồi.
Nghĩ vậy, tôi lại thấy thương các cháu học sinh. Là phụ huynh, cũng từng trải qua đời học sinh, với ba tháng hè thoải mái vui chơi, sinh hoạt, tôi thật sự thấy thương cho cả thầy cô và học trò khi kỳ nghỉ của họ bị rút ngắn. Vài năm qua, có nhiều trường đã cho học sinh tựu trường từ tháng 8, tổ chức dạy học trước chương trình, còn thực tế ngày khai giảng 5/9 chỉ còn mang tính hình thức. Ngày xưa, ngày 5/9 ấy có ý nghĩa thiêng liêng lắm, khi nó đánh dấu mốc kết thúc ba tháng hè vui tươi, bước vào khởi đầu năm học mới. Ngày nay, các trường lấy đủ các lý do, nào là bồi dưỡng văn hoá, sinh hoạt ngoại khoá, học trước để lỡ khi xảy ra mưa bão, ngập lụt hay rét đậm thì còn có ngày nghỉ, ngoài ra còn việc dạy và ôn tập cho các em cuối cấp chuẩn bị cho kỳ vượt vũ môn...
Tôi chợt nghĩ đến việc mình từng đọc nhiều bài phân tích của các chuyên gia chỉ ra việc chương trình học của Việt Nam quá nặng, nặng về lý thuyết và kiến thức hàn lâm, ít thực tế. Học sinh của Việt Nam phải học nhiều kiến thức quá nặng so với lứa tuổi và khả năng nhận thức của các cháu, như Tích phân, Nguyên hàm, Vật lý hạt nhân, Dao động điều hòa, Các quy luật di truyền của Mendel... Đó đều là những phần học rất khó, ở các nước phát triển hơn, chúng chỉ được học ở đại học. Nhưng ở Việt Nam, đây lại được đưa vào chương trình phổ thông và đều là những phần để "ra câu hỏi khó" trong kỳ thi vào đại học.
Chúng ta hãy thử suy nghĩ xem, những bài tập khó đến rất khó về giải hệ dao động, tích phân hàm ẩn, giải mạch RLC, vi phân, hỗn hợp este... có thật sự ứng dụng và sử dụng trong thực tế hay không, có làm nặng thêm chương trình vốn đã rất khô khan của các cháu học sinh hay không? Lâu nay, những câu này vốn là những câu hỏi "xương xẩu" để lấy điểm 10 trong các kỳ thi. Mà để giải được trong thời gian ngắn thường không dễ dàng gì mà phần đông là đã được luyện trước, chữa trước như những con "gà nòi" cộng thêm chút may mắn. Rồi mai đây, chúng lại trở thành những "con gà công nghiệp", trong khi kỹ năng sống, làm việc nhóm, giao tiếp, ngoại ngữ... chưa thật sự tốt. Rõ ràng, cách dạy học và chương trình của chúng ta thực sự có vấn đề. Chúng ta quá nặng về thành tích mà quên đi sự phát triển lành mạnh của con trẻ.
>> Gánh nặng những kỳ thi quyết định đời người
Nhấn mạnh đến bối cảnh của năm nay, khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ làn sóng thứ hai bùng phát trở lại là vẫn còn, thời tiết lắm thất thường khi mưa bão sẽ xuất hiện dồn dập vào cuối năm. Chống dịch thì cuộc sống vẫn phải tuần hoàn, vận động và tiếp tục, không thể ngưng trệ. Trẻ em, học sinh cần được đến trường, phát triển lành mạnh.
Tôi thương các cháu khi phải học quá nặng, ít được vui chơi, phát triển các kỹ năng sinh tồn cũng như tài năng bẩm sinh, nghệ thuật và những giá trị khác bên trong. Chúng ta nên giảm tải chương trình, những kiến thức quá khó so với nhận thức của lứa tuổi học sinh, những dạng bài tập vận dụng cao mang tính đánh đố... nên được bỏ tối đa có thể. Chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cho học sinh, phát triển ngoại ngữ, kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng sinh tồn...; giảm tối đa thời lượng học tập trên lớp (chỉ nên từ 28-30 tuần) và có quỹ thời gian dự trù đủ dài để có thể tổ chức ngoại khoá, dã ngoại cũng như nghỉ học vì thiên tai, dịch bệnh... Tăng cường các hình thức dạy học online, trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, làm việc...
Đặc biệt, hãy trả lại ba tháng nghỉ hè đúng nghĩa cho các con để các con được vui chơi, giải trí, văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao và học bơi... Không tổ chức dạy thêm, học thêm, bồi dưỡng văn hoá hè dưới bất kỳ hình thức nào. Đó mới là những việc thiết thực để các cháu được phát triển toàn diện nhất.
Khi thời tiết biến đổi thất thường, lại phải sống chung với dịch bệnh Covid-19, chúng ta sẽ phải làm quen với khái niệm "trạng thái bình thường mới". Hãy rèn cho các cháu những kỹ năng cơ bản để sống và sinh tồn, phát triển những thế mạnh, tiềm năng trong bản thân cháu, đừng bắt các cháu học quá nặng, phải luyện đề và giải bài khó. Nắng như đổ lửa mà vẫn phải đi học, mưa bão vẫn phải đội ô, mặc áo mưa đến lớp, các cháu khổ quá rồi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.